Tết Hàn thực sắp đến rồi, “hội chị em” chuẩn bị mâm cúng chuẩn chỉnh ngay thôi!
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi và bánh chay. Do đó, nhiều người còn gọi Tết Hàn thực là Tết bánh trôi, bánh chay.
Nguồn gốc của Tết Hàn thực
Xét theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh trong khi “thực” là ăn. Do đó, Tết Hàn thực còn có nghĩa là tết ăn đồ lạnh. Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, Tết Hàn thực tại Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc thông qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc đã được lưu truyền cho đến ngày nay.
Vào thời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn và phải bỏ nước lưu vong. Một hôm trên đường lánh nạn, một hiền sĩ đi theo phò vua tên Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi mình để nấu lên dâng vua vì lương thực hết. Vua ăn xong mới biết nên vô cùng cảm kích.
Giới Tử Thôi đã theo phò Tấn Văn Công suốt 19 năm, cùng nhau trải qua nhiều gian truân nguy hiểm. Sau này, Tấn Văn Công giành lại ngôi báu, trở về làm vua nước Tấn và phong thưởng rất hậu cho những người có công giúp mình trải qua khó khăn, tuy nhiên lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Dẫu thế, Giới Tử Thôi không hề oán hận, cho rằng mình theo phò vua là việc nên làm nên đã đưa mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn. Sau này, Tấn Văn Công nhớ ra đã cho người đi tìm, nhưng Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn để ra lĩnh thưởng.
Dù Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng, thúc ép Giới Tử Thôi phải ra nhưng ông vẫn nhất định không chịu tuân mệnh, cả hai mẹ con ông cuối cùng đều đã chết cháy. Vua thương xót nên đã lập miếu thờ, đồng thời hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa 3 ngày và chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ 3/3 – 5/3 âm lịch hàng năm).
✅ Tham khảo: Cầm 100k ăn sập Chợ Nhà Xanh – địa điểm nổi tiếng nhất nhì giới sinh viên Hà Nội
Tết Hàn thực 2023 rơi vào ngày bao nhiêu dương lịch?
Như đã nói ở trên, Tết Hàn thực rơi vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Tết Hàn thực 2023 rơi vào thứ Bảy, tức là ngày 22/4/2023 dương lịch. Đến ngày này, những người xa quê sẽ trở về đoàn tụ với gia đình, cùng đi tảo mộ và sum họp trong bữa cơm đầm ấm.
Dù bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc, thế nhưng Tết Hàn thực tại Việt Nam vẫn có những bản sắc riêng biệt và mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, bắt đầu từ tháng 3 hàng năm, thời tiết sẽ dần nóng lên và đây cũng chính là thời điểm chuyển giao sang mùa hè. Nhằm đánh dấu thời điểm này, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, người dân sẽ làm bánh trôi, bánh chay nhằm cúng tế trời đất, tổ tiên.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn và tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Theo đó, bánh trôi và bánh chay tượng trưng cho đồ ăn nguội, có nghĩa là hàn thực, cũng là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa. Do đó, mùng 3/3 âm lịch hàng năm còn được người Việt gọi là Tết bánh trôi – bánh chay.
Mâm cúng tết Hàn Thực chuẩn chỉnh gồm những gì?
Bánh trôi bánh chay
Mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi và bánh chay. Xưa kia, bánh trôi bánh chay truyền thống được làm từ đường phên, bột gạo nếp, vừng và đậu xanh. Những viên bánh trôi tròn trịa bọc lấy đường phèn, bên ngoài rắc chút vừng trắng và được bày đẹp đẽ trên đĩa.
Bánh trôi hiện tại được biến tấu với nhiều màu sắc với những nguyên liệu tạo màu tự nhiên. Ví dụ, khi nhồi bột, người ta sẽ thêm màu đỏ từ gấc, màu hồng từ củ dền và màu xanh từ hoa đậu biếc, màu vàng từ bột nghệ hoặc bột hạt dành dành… Bên cạnh bánh trôi truyền thống có màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi Ngũ sắc dựa theo 5 màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá – Mộc, đỏ – Hỏa, vàng – Thổ, trắng – Kim, xanh dương – Thủy).
Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người còn dâng cúng bánh trôi có tạo hình hoa sen và hoa mẫu đơn cũng như những biểu tượng may mắn.
Để truyền cảm hứng cho con trẻ, bánh trôi nước còn được tạo ra nhiều hình con thú ngộ nghĩnh, đáng yêu; nhưng loại bánh này sẽ không mang dâng cúng. Dù bánh trôi nước được biến tấu với nhiều hình dáng, màu sắc đa dạng nhưng trong mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu được đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống.
Hoa tươi và trầu cau
Các loại hoa tươi sẽ được chọn theo mùa và mang đậm chất dân gian, ví dụ như hoa bưởi, hoa cau hoặc những loại hoa thơm mát và không có gai để bày lên bàn thờ. Thêm một đĩa bày ba hoặc 5 lá trầu và cau theo số lẻ tương tự.
Ngũ quả
Các loại quả tươi sẽ được các gia đình chọn theo mùa hoặc điều kiện của từng nhà. Thông thường, mọi người sẽ chọn ngũ quả là những loại quả có nhiều màu sắc và mang ý nghĩa tốt lành. Ví dụ như quả thanh long có màu hồng cùng các cuống lá xanh mướt, hướng lên trên; quả phật thủ tươi căng, xòe như bàn tay; quả nho từng chùm lúc lỉu tượng trưng cho sự sung túc,… Bên cạnh đó, mâm cúng có thể có thêm một ít tiền vàng, một ly nước sạch cùng với 3 hoặc 5 chén trà nhỏ.
Ngày nay, cuộc sống bận rộn đã khiến nhiều người không có thời gian để làm bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên, mọi người có thể mua sẵn các gói bột hoặc bánh làm sẵn được bày bán rất nhiều trên đường phố, các chợ dân sinh hoặc các tiệm online.
Dễ dàng thấy được, những lễ vật dâng cúng tổ tiên trong Tết Hàn thực dù lớn hay nhiều đều có màu sắc tươi sáng, tròn trịa, dù ít hay nhiều đều chỉ cần thành tâm, chu đáo là được. Dù không phải ngày lễ lớn nhưng Tết Hàn thực vẫn thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính của con cháu, mong ước những điều tốt lành.
🆙 Khám phá: “Ngất ngây” món chả mực Hạ Long – đặc sản thơm ngon nức tiếng vùng đất mỏ