Địa điểm sapa

Dạo quanh 4 khu chợ Sapa nổi tiếng nhất

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Chuyên trang du lịch Goasean của tổ chức ASEAN đã từng chia sẻ bài viết về chợ Sapa – nơi hội tụ sắc màu văn hóa địa phương, cùng các đặc sản của vùng. Hãy cùng DulichToday dạo quanh một vòng các khu chợ Sapa nổi tiếng nhất để trả lời câu hỏi : Mua gì ở chợ Sapa? nhé!

1. Khu chợ mới – Chợ Sapa lớn nhất của huyện

Chợ Sapa cách nhà thờ đá khoảng 1,5km, đây là khu chợ Sapa có quy mô lớn nhất huyệnKhu chợ là nơi buôn bán, cung cấp chính các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày phục vụ người dân và du khách đến tham quan, mua sắm.

Phía trước cửa chợ là bến xe Sapa, thuận tiện cho du khách mua sắm trước lúc ra về. Khu nhà chợ trung tâm hai tầng là nơi kinh doanh các mặt hàng quần áo, dày giép, thổ cẩm, thuốc bắc, hàng lưu niệm… Phía sau là khu bán thực phẩm thịt cá, rau củ quả Sapa.

Chợ Sapa được xây mới to đẹp
Chợ Sapa được xây mới to đẹp

Bạn có thể tìm thấy các loại đặc sản nổi tiếng Sapa như: thịt trâu, thịt bò, thịt gà đen, rau cải mèo… Các thực phẩm được bày bán đều do người dân bản địa trồng và chăm sóc với số lượng ít, đảm bảo chất lượng. Ngay dưới tầng một là khu bày bán thuốc Nam, đồ khô với đa dạng các loại sản phảm như: tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ, atiso, nấm hương, măng khô… Trong đó, thuốc tắm người Dao đỏ nổi tiếng tốt cho phụ nữ sau sinh, được nhiều du khách tìm mua.

Tầng hai là khu bày bán mặt hàng thổ cẩm truyền thống như khăn, mũ, quần áo, ví, móc chìa khóa…Nghệ thuật thêu thùa tinh tế được thể hiện qua từng đường kim mũi chỉ của các cô gái người Mông và người Dao. Nếu bạn là người thích những họa tiết độc lạ thì gian hàng này sẽ cực kì hút mắt. Cùng với thổ cẩm và hàng nông sản, còn có rất nhiều các sản phẩm lưu niệm và các hàng hóa khác để du khách ngắm nghía và chọn mua như: vòng tay, lược gỗ, dao của bà con tự rèn đúc…

Gian hàng của người Dao đỏ trong khu chợ Sapa
Gian hàng của người Dao đỏ trong khu chợ Sapa

Chợ Sapa là khu chợ lớn nhất Sapa nên bạn đừng quên ghé qua để tìm mua đặc sản làm quà cho người thân và tìm hiểu thêm về nét văn hóa trong ẩm thực tại chính khu chợ này nhé!

2. Chợ đêm Sapa rực rỡ sắc màu về đêm

  • Địa điểm: sát chợ mới Sapa
  • Thời gian mở cửa: 18h – 23h30 từ thứ 6 đến Chủ nhật hàng tuần

Vào mỗi dịp cuối tuần, chợ đêm Sa Pa rực rỡ sắc màu bởi các gian hàng của người Mông và Dao đỏ. Bạn có thể tìm thấy các mặt hàng thủ công độc đáo mang màu sắc của người dân tộc vùng cao như: thổ cẩm, khèn, sáo, đồ trang sức bạc, đồng, trống da dê…

Mặt hàng thổ cẩm tại chợ đêm Sapa
Mặt hàng thổ cẩm tại chợ đêm Sapa

Điểm nổi bật nhất thu hút du khách đó là dãy ẩm thực song song với dãy quầy hàng ngay trong chợ đêm Sapa. Sau khi đã dạo quanh một vòng qua những gian hàng bán đồ truyền thống, bạn có thể ghé vào những quán ăn nghi ngút khói, tận hưởng những món ăn vùng miền trong tiết trời se lạnh. Ẩm thực tại đây chủ yếu là các món nướng hấp dẫn như: thịt xiên, rau cải cuốn thịt, cơm lam, chân, cánh gà, ngô, khoai, sắn…

Ẩm thực nướng tại chợ đêm Sapa
Ẩm thực nướng tại chợ đêm Sapa

Vừa được mua sắm, vừa có hội thưởng thức ẩm thực Sapa, bạn còn chần chừ gì mà không lên lịch dạo chơi buổi tối cho những ngày ở Sapa. Ban đêm ở Sapa có nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá.

3. Chợ phiên Sapa – Nơi tìm thấy những món hàng độc

  • Địa điểm: tại một số xã của huyện Sapa
  • Thời gian mở cửa: Tùy theo từng phiên chợ 

Tới chợ phiên Sapa, du khách có thể tìm được nhiều món đồ độc đáo của người dân tộc khi họ thu lượm được sau những chuyến đi rừng. Những phiên chợ đơn sơ và giản dị, hàng hóa trải xuống một sạp đất nhỏ. Ấy vậy mà chợ lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua.

Phụ nữ người Mông trong bộ trang phục sặc sỡ ở chợ phiên Sapa
Phụ nữ người Mông trong bộ trang phục sặc sỡ ở chợ phiên Sapa

Những phiên chợ được họp theo ngày cố định trong tuần hoặc trong tháng. Hầu như ai đi chợ cũng mang theo một ít hàng nhà nuôi trồng hoặc săn bắt được để bán, trao đổi là: bó rau, gia súc, gia cầm, các vật dụng sinh hoạt…

Người dân tộc ở đây vốn chân thật nên việc mặc cả chỉ là lấy hên, không nói thách quá nhiều. Người bán không đặt nặng vấn đề mua bán, mà chủ yếu là đi chơi, gặp gỡ trao đổi tâm tình sau nhiều ngày ở trên các bản làng xa xôi. Họ xuống chợ như đi hội với áo quần xúng xính bắt mắt.

Thắng cố - Món ăn phổ biến ở các phiên chợ Sapa
Thắng cố – Món ăn phổ biến ở các phiên chợ Sapa

Du khách đến phiên chợ này có cơ hội được thưởng thức món thắng cố, uống những bát rượu ngô, rượu táo mèo thơm hương trời đất do chính tay người dân tộc làm theo đúng vị truyền thống, trò chuyện cùng những người dân chân thật. Bạn cũng có thể tìm mua được nhiều loại gia vị đặc trưng như: hạt mắc khén, hạt dổi, táo mèo, các loại lá tắm …

Nếu bạn không muốn bỏ lỡ những phiên chợ này, người dân bản địa sẽ mách cho bạn những phiên chợ chính xác nhất. Với cơ hội tìm được món đồ độc, bạn đừng quên ghé qua nhé!

Để trải nghiệm ngày cuối tuần của bạn tại phiên chợ này, hãy đặt ngay một tour tham quan quanh phiên chợ Bắc Hà. Bạn sẽ được hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ từng món ăn, từng phong tục, tập quán cùng những điển cố của người dân tộc Tày ở nơi đây. Kết thúc chuyến đi là bữa ăn ngon miệng tại chính nhà của một người Tày.

4. Chợ tình Sapa – Phiên chợ không ai bán, chẳng ai mua

Khi mặt trời khuất núi, Sapa chìm trong lớp sương mù dày đặc, huyền ảo. Đó cũng là lúc các chàng trai cô gái dân tộc tìm đến phiên chợ tình. Trước kia, phiên chợ tình Sapa mỗi năm chỉ có 1 lần. Con trai, con gái quanh năm quần quật trên nương, trên núi. Họ chỉ được một ngày trọn vẹn lo cho chuyện tình cảm riêng mình. Họ đến phiên chợ tình Sapa để tìm nhau. Qua những câu hát, điệu múa giao duyên, có người hạnh phúc vì tìm thấy một nửa của mình, ai chưa tìm thấy nhau lại nuối tiếc chờ đến một năm sau.

Các chàng trai cô gái người Mông giao lưu văn nghệ tại phiên chợ tình Sapa
Các chàng trai cô gái người Mông giao lưu văn nghệ tại phiên chợ tình Sapa

Phiên chợ tình giờ đã khác, chợ không chỉ là nơi hò hẹn của đôi lứa yêu nhau mà còn là điểm du lịch độc đáo của Sa Pa. Những chàng trai, cô gái dân tộc đẹp rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Con gái thì mặc váy thổ cẩm cùng các trang sức bạc lấp lánh. Con trai mặc bộ áo chàm truyền thống ôm theo chiếc khèn bè, cây sáo Mông hay thậm chí chỉ cần một chiếc lá làm kèn. Kẻ xách theo bình rượu ngô để nhấp môi với người bạn gái. Con gái 13, 14 tuổi đi theo các chị lớn để đến phiên chợ làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được nhiều chàng trai để ý.

Các chàng trai thể hiện tài năng nghệ thuật của mình với các cô gái để làm cô gái xiêu lòng. Con gái sẽ hát giao duyên đáp lại để thể hiện tình cảm. Qua ca từ, giai điệu, họ tìm thấy nhau và tỉ tê đến khi khuya tàn. Trước khi về, cô gái dúi vào tay người con trai một vật đính ước là chiếc khăn tay, chiếc vòng tay hay chiếc lược…

Cặp đôi tìm thấy nhau trong phiên chợ tình
Cặp đôi tìm thấy nhau trong phiên chợ tình

Bạn đã từng đến phiên chợ tình Sapa chưa? Trong những ngày trời chuyển lạnh ở Sapa, bạn ghé thăm chợ tình sẽ cảm nhận một không khí ấm áp khác lạ từ trong tâm, đắm say trong điệu múa, tiếng hát và cả men rượu cay nồng. Đừng bỏ lỡ hay hoãn lại điều tuyệt vời đó bạn nhé!

  Hướng dẫn đi chợ tình Sapa | Ở đâu, diễn ra lúc nào?

Những lưu ý khi đi chợ Sapa

DulichToday đưa ra cho bạn những lưu ý khi đi chợ Sapa để bắt nhịp với nét văn hóa bình dị của bà con nơi đây nhé!

Hạn chế mặc cả khi trả giá

Ở các khu chợ Sapa, bạn đều có thể tìm mua được những đặc sản địa phương chất lượng với giá hợp lý. Bà con dân tộc chân thật và ít khi nói giá cao nên bạn không phải trả giá quá nhiều. Với mặt hàng dệt may thổ cẩm, nhiều món đồ được thêu dệt từ chính bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ người phụ nữ dân tộc. Họ phải nhọc công từ se sợi, thêu dệt, nhuộm vải mất hàng tháng trời. Điển hình nhất là những tấm vải màu đen, màu chàm, xanh thẫm, hoặc những tấm vải được vẽ sáp ong lạ mắt. Vậy nên, bạn có thể trả giá nhưng cũng đừng trả giá quá thấp so với công sức mà người thợ bỏ tâm huyết vào tấm vải nhé!

Những lưu ý khi chụp ảnh cùng người dân bản địa

Những khu chợ ở Sapa không hề cấm khách du lịch chụp hình. Thế nhưng, với người dân tộc, họ rất ngại khi bị ai đó chụp hình hoặc quay hình. Thế nên, bạn nên tôn trọng và xin phép chụp hình người dân nếu muốn. Nếu họ tỏ ý không thoải mái thì bạn đừng cố gượng ép nhé.

Kinh nghiệm chọn trang phục khi đi chợ

Để có thể thoải mái tập trung cho việc mua sắm, tham quan các khu chợ, bạn nên chọn mặc áo nhẹ nhàng, đi giày vải, thể thao để thuận tiện cho quá trình di chuyển, len lỏi trong khu chợ. Thời tiết Sapa khá thất thường, lúc nắng khi mưa. Nhiệt độ có thể thay đổi lên xuống trong ngày. Do vậy, bạn nên mang theo áo mưa vào áo khoác nhẹ để mặc khi đi chợ lúc sáng sớm hoặc chợ đêm nhé.

Mỗi khu chợ Sapa đều có những điểm thu hút riêng. DulichToday hy vọng bạn sẽ tìm được những món quà độc đáo, những bức ảnh chân thực về cuộc sống người dân nơi đây. Bạn có thể lưu lại bài viết để kế hoạch du lịch Sapa thêm trọn vẹn nhé!

4.5/5 - (2 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button