Các kiểu “chặt chém” khách du lịch bạn nhất định phải biết để tránh MẤT TIỀN OAN
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Bạn đang lo lắng vấn đề “chặt chém” khách du lịch? DulichToday sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những kiểu “chặt chém” du khách phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt bài viết cũng đưa ra lưu ý để bạn có một chuyến du lịch an toàn và tiết kiệm.
1. Tài xế “chặt chém “ khách du lịch với mức giá xe cao gấp nhiều lần
- Phương tiện: Taxi, xe máy, xích lô.
- Đối tượng thường bị “chặt chém”: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Chính tâm lý “cần người dẫn đường” của du khách là cơ hội để tài xế chặt chém khách du lịch với giá xe cao. Thủ đoạn “chặt chém” thường được các tài xế sử dụng là cò kéo khách du lịch với mức giá rẻ nhưng thanh toán với giá cao. Nhiều tài xế taxi không sử dụng bảng hiển thị công tơ km, lợi dụng sự sơ hở của khách du lịch để o ép mức giá “cắt cổ”.
Vừa qua, một vị khách khi đến Đà Lạt du lịch đã bị tài xế thu quá số tiền hiển thị trên đồng hồ báo cước. Mặc dù số tiền trên đồng hồ tính tiền chỉ có 78.000 đồng nhưng khi về đến khách sạn vị khách này đã bị tài xế đòi lên đến 150.000 đồng. Thậm chí khi bày tỏ ý kiến khách đi xe còn bị tài xế cự cãi và dọa hành hung.
Lưu ý: Bạn nên hỏi rõ giá trước khi đi, yêu cầu tài xế bật bảng hiển thị và thông tin km. Du khách nên book xe trên các app uy tín như Grab, Uber, taxi Mai Linh, Go-Viet,…để có mức giá phù hợp và đảm bảo quyền lợi khi có vấn đề xảy ra.
2. Cửa hàng ăn uống không đề bảng giá, “chém đẹp” khi thanh toán
- Địa điểm: Các quán ăn, nhà hàng tại các địa điểm du lịch.
- Đối tượng thường bị “chặt chém”: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Thực trạng “chặt chém” khách du lịch tại cửa hàng ăn uống hiện nay ngày càng phổ biến. Nó diễn ra ở hầu khắp các địa điểm du lịch có khách trong và ngoài nước. Cửa hàng sẽ tung ra một “mức giá trên trời” với những loại thức ăn bình thường. Điều đáng chú ý là nhà hàng không hề đề bảng giá từ trước mà chỉ thể hiện trên hóa đơn khi thanh toán. Nhiều khách du lịch cũng đã phải cắn răng chịu đựng trả tiền.
Vụ “chặt chém” khách du lịch ở Nha Trang với số tiền khủng lên đến 16,5 triệu đồng chỉ để ăn 14 món với 10 chai bia đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo đó, quán ăn bị tố “chặt chém” du khách chính là quán Tháp Bà Làng Chài ở địa chỉ 32-33 đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang. Trong phiếu thanh toán, 2 đĩa khổ qua xào tại nhà hàng được tính với mức giá 500.000 đồng. Món mồng tơi xào là 250.000 đồng/đĩa; su su 250.000 đồng/đĩa, 2 bát cháo là 800.000 đồng.
Lưu ý: Khách du lịch nên xem kỹ menu giá cả các món ăn trước khi gọi. Trong trường hợp không có menu nên hỏi trực tiếp nhân viên để được thống nhất giá trước khi sử dụng đồ ăn.
3. “Chặt chém” khách du lịch mua hàng rong với “giá trên trời”
- Địa điểm: Ngoài đường, dọc các con phố lớn có nhiều khách du lịch qua lại.·
- Đối tượng thường bị “chặt chém”: Khách nước ngoài.
Tình trạng “chặt chém” khách du lịch nước ngoài mua hàng rong cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Lợi dụng bất đồng về ngôn ngữ, nhiều người bán hàng rong đã lợi dụng để bán hàng với “ giá trên trời”. Những vỉ kẹo cao su 300.000 đồng/ 1 vỉ, những chiếc bánh rán 200.000 đồng/ 1 chiếc,… là mức giá thường được các “siêu cò” tung ra để “chặt chém” du khách.
Lưu ý: Khách du lịch chú ý chỉ mua khi có giá được ghi cụ thể và nên mặc cả giá khi cần thiết. Hãy tham khảo giá của các mặt hàng trước khi mua.
4. “Hét giá” phòng khách sạn cao 2, 3 lần so với giá niêm yết
- Địa điểm: Các khách sạn vừa và nhỏ.
- Đối tượng: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Hét giá phòng khách sạn cao gấp 2, 3 lần mùa du lịch là một cách “chặt chém” phổ biến của các khách sạn, nhà nghỉ vừa và nhỏ. Dịp cao điểm mùa du lịch các nhà nghỉ đồng loạt “hét giá” phòng từ vài trăm lên đến tiền triệu mặc cho chất lượng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Khi khách du lịch liên hệ đặt phòng trước thì các khách sạn, nhà nghỉ đều báo hết phòng để giữ phòng, “ém” phòng. Nếu cho khách đặt trước thì giá phòng chỉ khoảng 300.000 – 500.000 đồng/phòng/đêm. Nhưng nếu cho thuê vào đúng dịp nghỉ lễ thì phòng xập xệ cũng có thể nâng lên 1 – 1,5 triệu/phòng/đêm.
Lưu ý: Bạn nên đặt những phòng khách sạn uy tín, có review tốt từ người dùng. Khách du lịch có thể đặt qua các app đặt phòng khách sạn tin cậy như Agoda, My tour, Vintrip, Ivivu,…để đảm bảo có sự lựa chọn phong phú và mức giá tốt nhất.
5. Đánh giày, sửa giày cho khách nước ngoài với mức giá “cắt cổ”
- Địa điểm: Dọc các con phố nơi có đông khách du lịch qua lại.
- Đối tượng: Khách du lịch nước ngoài.
Tại nhiều tuyến phố của các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM hay Hà Nội xuất hiện nhiều nhóm chuyên đánh giày cho khách nước ngoài với mức giá “cắt cổ”. Chiêu trò chính của nhóm người này là chuyên đi theo, đu bám du khách để tự ý đánh giày, sau đó hét giá “trên trời”.
Theo lời kể của một hướng dẫn viên du lịch tên Q. tại TP.HCM: “Có trường hợp, nhóm đánh giày nói đã dán keo lại giày, thay miếng lót, đánh xi rồi đòi khách trả 600.000 đồng cho một chiếc giày. Trước kia có những khách cũng bị tương tự nhưng nhờ tôi nhắc nhở họ cảnh giác chỉ bỏ lại tờ 50.000 đồng rồi bỏ đi”.
Lưu ý: Du khách nên kiên quyết từ chối khi không có nhu cầu đánh giày. Bạn cũng có thể liên hệ đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch để được trợ giúp khi cần thiết.
6. Lừa khách du lịch chụp ảnh rồi gây sức ép, đòi tiền
- Địa điểm: Tại các chương trình, sự kiện giải trí lớn, các lễ hội,…
- Đối tượng: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện tượng “chặt chém” khách du lịch chụp ảnh rồi gây sức ép đòi tiền đang diễn ra ở hầu khắp các khu du lịch. Mới đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội, du khách bày tỏ sự bức xúc khi bị lừa chụp ảnh với những nhân vật hoạt hình ở chợ đêm Đà Lạt.
Khi thấy khách du lịch, một nhóm người mặc các bộ đồ hình thù ngộ nghĩnh như Pikachu, Minion đã ra tiếp cận và mời du khách chụp ảnh cùng. Sau đó, một người trong nhóm sẽ ra đòi tiền, thậm chí còn có thêm 2-3 người ra gây sức ép, buộc khách phải trả dù trước đó không hề nói cần phí chụp ảnh. Đối tượng tiếp cận là những gia đình có trẻ nhỏ, các cặp đôi hay những du khách nước ngoài.
Lưu ý: Du khách nên kiên quyết không sử dụng dịch vụ chụp ảnh khi không có nhu cầu. Hãy liên hệ với bộ phận quản lý khu du lịch để phản ánh tình hình khi cần thiết.
7. “Hét giá” gửi xe máy, ô tô mỗi dịp lễ hội, mùa du lịch
- Địa điểm: Các bãi trông giữ xe tại địa điểm du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội.
- Đối tượng: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Tình trạng “hét giá” gửi xe máy, ô tô mùa du lịch, lễ hội khiến người gửi xe phải trả mức giá rất cao. Tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các địa điểm trong đó Hà Nội là một điển hình. Vào những dịp lễ tết tại những khu vực xung quanh các đình, đền, chùa nổi tiếng như: Phúc Khánh, Trấn Quốc, đền Trấn Vũ, Ngọc Sơn, Quán Sứ, đường Phùng Hưng, phố Hồ Giám … giá trông giữ xe tăng vọt gấp 3 – 4 lần so với quy định.
Tại lễ hội chợ Viềng, để có thể gửi xe du khách sẽ phải trả từ 10.000 – 20.000 đồng/lượt đối với xe máy hoặc 50.000 – 100.000 đồng để gửi ô tô. Thậm chí vào những ngày cao điểm khách du lịch còn có thể phải trả từ 150.000 – 200.000 đồng khi có nhu cầu gửi xe.
Lưu ý: Du khách nên gửi xe ô tô tại những địa điểm được quy định, tránh gửi tại những địa điểm tự phát. Bạn có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch để được trợ giúp và xử lý.
8. Nói thách, ép giá khi khách du lịch mua quần áo tại các khu chợ
- Địa điểm: Các khu chợ có đông khách du lịch mua sắm.
- Đối tượng: Khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện tượng nói thách, ép giá khách du lịch khi mua sắm tại các khu chợ cũng thường xuyên diễn ra. Cụ thể, tại chợ Bến Thành nhiều mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ lưu niệm được các tiểu thương ở đây “hét giá” lên gấp 2, gấp 3 lần so với thực tế. Ở những quầy bán áo dài thêu những xấp vải bình thường đều bị “hét giá” lên tới 800.000 đồng.
Lưu ý: Du khách nên tham khảo thông tin về chợ trước khi đến mua sắm. Hỏi giá trước khi mua và sẵn sàng nói “không” khi bị chặt chém.
9. Dùng thẻ tín dụng thanh toán, nhân viên thừa cơ “chiếm đoạt tài sản” của khách
- Địa điểm: Các nhà hàng, quán ăn
- Đối tượng: Khách du lịch nước ngoài
Nhiều trường hợp du khách bị “chiếm đoạt tài sản” khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Số tiền này thậm chí lên đến cả hàng trăm triệu đồng nếu như khách du lịch chủ quan không kiểm tra thông tin hóa đơn rõ ràng. Đã có nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam gặp phải tình trạng “chặt chém” chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thanh toán bằng thẻ Visa.
Cụ thể, tối 10/8/2016, ông Caracciolo David John là một khách du lịch đến từ Australia đã cùng nhóm bạn đến nhà hàng NightFall trên đường Nguyễn Siêu quận 1 Tp.HCM ăn uống và chơi bida. Đến 2h sáng 11/8/2016, ông dùng thẻ tín dụng Visa Card và thẻ MasterCard thanh toán tiền. Trở về nước, ông Caracciolo David John phát hiện thẻ của ông bị trừ với số tiền rất lớn (hơn 683 triệu đồng) trong khi thực tế ông chỉ phải thanh toán cả tiền boa là gần 19,6 triệu.
Lưu ý: Du khách nên kiểm tra kỹ hóa đơn và so sánh giá để tránh bị nhân viên “nhấn nhầm” số tiền phải thanh toán. Nếu là du khách nước ngoài thì nên đi cùng với bạn bè là người Việt Nam để tránh bị chặt chém khi thanh toán bằng thẻ visa.
Hy vọng với thông tin chi tiết về các kiểu “chặt chém” khách du lịch thường gặp mà DulichToday đã tổng hợp sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đó có phương án đề phòng hiệu quả để không vướng phải bất cứ hình thức chặt chém nào. Hãy chia sẻ thêm với DulichToday nếu các bạn gặp phải những tình huống “chặt chém” khác nhé!