Ăn - Chơi

Xuất hiện trong “2 ngày 1 đêm”, bản làng Hang Táu khiến tín đồ xê dịch sục sôi tìm kiếm

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Hang Táu được nhiều người mệnh danh là nơi người H’Mông “trốn cả thế giới”. Đây là nơi sinh sống của khoảng 20 hộ dân với khu canh tác và sản xuất nông nghiệp rộng khoảng 1 ha, khung cảnh đẹp nên thơ như một thảo nguyên thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Trong những năm gần đây, Mộc Châu ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của các tín đồ du lịch. Không chỉ thu hút khách tứ phương nhờ mùa hoa mận, hoa mai hay hoa đào, Mộc Châu còn sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác, trong đó có bản làng Hang Táu. Đặc biệt, sau khi xuất hiện trong tập 31 của chương trình “2 ngày 1 đêm”, bản làng Hang Táu trở thành cái tên nhiều người chú ý và tìm kiếm.

ban lang hang tau 1
Sau khi xuất hiện trong tập 31 của chương trình “2 ngày 1 đêm”, bản làng Hang Táu trở thành cái tên nhiều người chú ý và tìm kiếm

Nơi người H’Mông “trốn cả thế giới”

Bản làng Hang Táu cách trung tâm thành phố Mộc Châu khoảng 20 cây số. Bản làng này thuộc vào bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, thung lũng trung tâm của thành phố Mộc Châu. Nơi đây có nhiều bãi cỏ xanh và những căn nhà gỗ của người H’Mông đã tạo nên một cụm biệt lập được bao bọc xung quanh bởi núi rừng hùng vĩ.

Bản làng Hang Táu chỉ có vỏn vẹn khoảng 20 hộ người dân đồng bào H’Mông sinh sống, tạo nên một cụm nhà nhỏ; thế nên nơi đây vẫn còn giữ gìn gần như nguyên vẹn nếp sống truyền thống, hoang sơ và bình yên đến lạ lùng. Tính cách của người H’Mông vốn độc lập, thích làm nhà ở trên các triền núi và mỏm núi cao vút, hoàn toàn tách biệt với các cộng đồng dân cư khác. Tuy nhiên, cũng có một vài căn nhà lại nằm tách biệt và cô đơn ở giữa thung lũng.

Được biết, họ đều là những người Mông Hoa (Lềnh), cách gọi như vậy là để phân biệt với người Mông Trắng (Đơ) và người Mông Đen (Đú) hoặc là Mông Đỏ (Sí). Đặc biệt, tất cả những người này đều có quan hệ huyết thống với nhau. Hàng ngày, họ làm rẫy, trồng trọt và chăn nuôi, tự cung tự cấp mọi thứ trong cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế chính của người H’Mông nơi này vẫn là chăn nuôi gia súc và gia cầm.

ban lang hang tau 3
Hoạt động kinh tế chính của người H’Mông nơi này vẫn là chăn nuôi gia súc và gia cầm

Phía trước căn nhà sàn nào cũng có một chuồng gỗ để gia súc và gia cầm ngủ đêm, trú mưa. Giống như căn nhà sàn, các chuồng cũng được đóng khá tạm bợ, bên cạnh được đặt một cái máng nước, máng thức ăn được người dân làm bằng lốp ô tô.

Nhiều người nói rằng, bản làng Hang Táu là nơi người H’Mông trốn cả thế giới, nguyên nhân bởi không gian nơi này vô cùng hoang vu và biệt lập. Bù lại, cảnh sắc nơi đây lại vô cùng yên bình, nên thơ và chỉ có người H’Mông sinh sống mà thôi. Con đường đến Hang Táu khá khó đi. Nếu muốn đến đây, du khách nào không chắc tay lái nên nhờ người dân địa phương chở hoặc gọi taxi. Trong hành trình đến Hang Táu có đoạn đường từ bản Tà Số 1 dài khoảng 7 km là đường đất đá, vô cùng gập ghềnh nên khá mệt mỏi. Bù lại, thành quả khi đặt chân đến bản làng Hang Táu sẽ vô cùng xứng đáng.

Mỗi mùa trong năm, Hang Táu lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên trong mùa mưa, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, đường ở đây sình lầy, trơn trượt và rất khó di chuyển, du khách cần cân nhắc kỹ càng, xem dự báo thời tiết trước khi xuất phát để có được chuyến tham quan thuận lợi nhất.

ban lang hang tau 5
Mỗi mùa trong năm, Hang Táu lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng. Ảnh: anhdao

Theo Tri thức và Cuộc sống, bạn Phùng Hiền (quê ở Vĩnh Phúc) đầu tháng 2 vừa qua đã cùng bạn trai đi phượt xe máy tới bản làng Hang Táu. Cô nàng cho biết, hành trình xe máy dài hơn 200km từ Hà Nội đến Hang Táu có rất nhiều điều thú vị.

ban lang hang tau 2
Bạn Phùng Hiền (quê ở Vĩnh Phúc) đầu tháng 2 vừa qua đã cùng bạn trai đi phượt xe máy tới bản làng Hang Táu

Bạn Phùng Hiền chia sẻ: “Bọn mình từng đi trải nghiệm rất nhiều nơi, nhiều vùng miền khác nhau; thế nhưng chuyến đi Hang Táu lần này để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất. Khung cảnh nơi đây thực sự sẽ làm hài lòng bất cứ ai. Người dân Hang Táu sống không hàng quán, cũng không khói bụi và không ồn ào… Nơi đây chỉ có những ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ cùng tiếng chim hót, đồng cỏ xanh, cây cối cùng các loại gia súc, gia cầm. Tất cả những điều này giống như một bức tranh cũng như một thế giới riêng biệt của con người nơi đây.

ban lang hang tau 6
Người dân Hang Táu sống không hàng quán, cũng không khói bụi và không ồn ào… Ảnh: mavis.vivuky

Bọn mình đến đây đúng lúc mọi người dân trong bản đã đi làm hết, chỉ còn một vài người ngồi bên hiên nhà dệt vải và quanh quẩn với đàn lợn, gà, trâu… Đây là một sự bình yên đến mức thổn thức. Khi đó, bọn mình đã cùng nhau đi dạo quanh đồng cỏ, cùng nhau trò chuyện với vài người bản địa, họ vô cùng mến khách”.

Ngôi làng “3 không”: Không điện, không sóng điện thoại và không wifi

Ít ai biết được rằng, Hang Táu còn được nhiều người biết đến với cái tên “Làng nguyên thủy”. Nơi đây không có điện, không internet và không có sóng điện thoại. Đặt chân đến Hang Táu, du khách có cơ hội trải nghiệm cảm giác hòa mình trọn vẹn với thiên nhiên, tránh xa cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp bên ngoài. Cảm giác vô cùng dễ chịu khi được nghe tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng trẻ con nô đùa và thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp tại thung lũng phía trước.

Người dân địa phương thường xuyên chăn thả gia súc ở những bãi cỏ, tạo nên khung cảnh bình dị, đáng yêu. Du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động trong đời sống thường ngày của người dân H’Mông, ví dụ như tham gia trồng trọt, chăn nuôi và đào măng, thậm chí là học cách thêu váy truyền thống. Nếu có cơ hội qua đêm ở bản làng Hang Táu, du khách đừng nên bỏ lỡ trải nghiệm thưởng thức khoai nướng bên than hồng, ngồi yên lặng lắng nghe tiếng côn trùng kêu râm ran.

ban lang hang tau 4
Khi đến Hang Táu, nếu muốn được ở lại lâu hơn để trải nghiệm các hoạt động của người dân nơi đây, du khách có thể ngỏ lời để ở lại. Ảnh: Đỗ Tú

Khi đến Hang Táu, nếu muốn được ở lại lâu hơn để trải nghiệm các hoạt động của người dân nơi đây, du khách có thể ngỏ lời để ở lại. Không giống với những ngôi làng khác, người dân Hang Táu đã quá quen với việc làm du lịch, do đó họ rất cởi mở, thật thà, chất phát và đặc biệt mến khách.

>>> Xem thêm: 15 homestay Mộc Châu ĐẸP – ĐỘC – LẠ cho nhóm đông người

Đánh giá bài viết

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button