Địa điểm Hà Nội

[Khám phá] 50+ hoạt động ở phố đi bộ Hà Nội

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Nếu thành phố mang tên Bác nổi tiếng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, thì thủ đô Hà Nội lại có một điểm sáng khác, đó chính là Phố đi bộ Hà Nội. Với bài viết này DulichToday sẽ chia sẻ với bạn tất cả các hoạt động, ẩm thực và sự kiện diễn ra tại địa điểm vui chơi hấp dẫn này nhé.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

A. Các hoạt động tại phố đi bộ Hà Nội

Để thưởng thức những hoạt động thú vị nhất tại phố đi bộ Hà Nội, bạn nên có mặt tại đây vào buổi tối từ 19h trở đi vào các ngày cuối tuần (tối thứ 6 – chủ nhật). Nếu tới vào buổi chiều khoảng từ 11h30 – 15h, không gian sẽ khá vắng vẻ. Vào những ngày đẹp trời, dịp lễ hay khi thành phố tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, khu phố sẽ trở nên tấp nập hơn rất nhiều. Hãy cùng Du lịch Today khám phá tất cả những hoạt động thường xuyên diễn ra tại phố đi bộ ngay nhé!

I. Các trò chơi dân gian

Nhằm tái hiện nét đẹp của những trò chơi dân gian xưa, ban tổ chức tại khu vực phố đi bộ thường xuyên sắp xếp những cuộc thi chơi trò chơi dân gian với những trò chơi như ô ăn quan, đi cà kheo, đánh chuyền, đá cầu, kéo co hay nặn tay khéo léo những món tò he xinh xắn. Bạn có thể bắt gặp và chơi ngay những trò chơi này trên suốt dọc đường quanh Hồ Gươm.

#1. Chơi Ô ăn quan

Những viên sỏi nhỏ thả vào từng ô có làm bạn nhớ về một phần tuổi thơ không? Nếu bạn muốn chơi lại trò chơi dân gian thú vị này thì sao không thử tới ngay khu phố đi bộ Hồ Gươm vào một tối cuối tuần đẹp trời nào đó. Tới đây, bạn sẽ được nhóm những thanh niên trẻ của My Hanoi hướng dẫn cách chơi. Trò chơi ô ăn quan được mọi người vẽ ô, rải sỏi để ngồi chơi ở khu vực đối diện đền Ngọc Sơn và bạn có thể hỏi để xin vào chơi hoàn toàn miễn phí.

tro choi dan gian o an quan
Ô ăn quan – trò chơi dân gian của thế hệ 8x9x

#2. Chơi Cà kheo phố đi bộ

Trò chơi cà kheo thú vị đòi hỏi khá nhiều sự khéo léo của người chơi. Chỉ với hai cây gỗ có đóng thêm khấc làm chỗ đặt chân, cây cà kheo đã đưa người chơi lên cao khỏi mặt đất. Lúc này sự khéo léo sẽ cần được tận dụng triệt để. Bởi người chơi sẽ cần di chuyển từ nhẹ nhàng tới thành thục để bước đi dễ dàng trên những thanh gỗ này. Khu vực phố Đinh Tiên Hoàng chính là nơi bạn có thể dễ dàng bắt gặp và tham gia trò chơi này cùng những người chơi di chuyển bằng cà kheo.

Biểu diễn cà kheo ở phố đi bộ Hà Nội
Biểu diễn cà kheo ở phố đi bộ Hà Nội

#3. Chơi đánh chuyền

Trò chơi này sử dụng rất nhiều những thanh tre nhỏ nắm thành một nắm cùng với một trái bóng nhỏ để người chơi trong lúc tung bóng lên sẽ phải nhanh tay nhặt ngay một thanh tre để khi bóng rơi xuống thì thanh tre ấy đã được nắm trong tay rồi. Trò chơi đánh chuyền này được tổ chức ngay dọc con phố Đinh Tiên Hoàng cùng rất nhiều trò chơi dân gian khác. Nếu bạn muốn sống lại những khoảnh khắc ấu thơ chơi chắt chơi chuyền thì cứ thoải mái sà ngay vào những nhóm bạn đang chơi trò này trên phố nhé.

Đánh chuyền trở lại Phố đi bộ Hà Nội
Đánh chuyền trở lại Phố đi bộ Hà Nội

#4. Giao lưu đá cầu

Nếu những trò chơi ở trên có phần ít nổi tiếng với các bạn trẻ, thì đá cầu lại ngược lại, trò chơi này vốn được rất nhiều bạn trẻ chơi trong các trường học hay những giờ phút giải lao. Chỉ cần một trái cầu đá là các bạn đã có thể thỏa sức chuyền qua chuyền lại bằng chân rồi. Bạn có thể hỏi gia nhập những nhóm bạn chơi trò này trên phố đi bộ Hà Nội để thoải mái xả stress với trò chơi vận động khéo léo này nhé.

da cau la tro choi thuong xuyen dien ra tai pho di bo Ha Noi

#5. Kéo co trên phố đi bộ

Người chơi sẽ chia làm hai nhóm háo hức với trò kéo co quen thuộc. Chỉ cần một người đứng lên làm trọng tài hô vang, hai đội sẽ ra sức kéo ghì sợi dây về phía đội mình. Đội nào khỏe hơn đội đó thắng. Trò chơi rộn rã này luôn thu hút rất đông người tham dự cũng như đứng xem cổ vũ, cả các em nhỏ cũng rất thích thú với trò chơi này đó. Bạn có thể tìm thấy những nhóm chơi trò chơi này ở khu vực gần đài phun nước Đông Kinh Nghĩa Thục.

Trò chơi kéo co tại phố đi bộ Hồ Gươm
Trò chơi kéo co tại phố đi bộ Hồ Gươm

#6. Nặn tò he

Những hình con vật, bông hoa, tôn ngộ không, thủy thủ mặt trăng được làm từ bột gạo màu sắc rất thu hút trẻ nhỏ. Phố đi bộ Hồ Gươm là địa điểm hiếm hoi mà bạn có thể dễ dàng tìm lại được món đồ chơi xinh xắn dân dã này. Ngoài việc các nghệ nhân bán những con tò he đã nặn sẵn, họ còn cung cấp nguyên liệu với giá chỉ 20 ngàn đồng để các cháu nhỏ cùng gia đình ngồi tự nặn thành những hình thù ngộ nghĩnh.

Trò chơi nặn tò he thất truyền
Trò chơi nặn tò he thất truyền

Phố đi bộ – địa điểm biểu diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật

Bên cạnh những trò chơi dân gian, người dân đến với phố đi bộ Hà Nội còn bởi những hoạt động văn hóa nghệ thuật được thường xuyên tổ chức tại đây nữa. Các hoạt động này được tổ chức luân chuyển lưu động tại các vị trí khác nhau trong khu vực phố đi bộ, với những màn trình diễn âm nhạc, xiếc hay những tiết mục đặc biệt khác.

banner pho di bo ha noi 2018

#7. Biểu diễn âm nhạc dân tộc

Nếu bạn là người yêu thích những giai điệu ngọt ngào mang theo những chuyện tích cổ của dân tộc như chèo hay chầu văn thì hãy rảo bước tới khu vực Mã Mây, Lương Ngọc Quyến ngay để thưởng thức những buổi trình diễn nghệ thuật tại đây.

Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại phố đi bộ Hà Nội
Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại phố đi bộ Hà Nội

#8. Những màn trình diễn âm nhạc hiện đại

Bạn có thể bắt gặp những nhóm nhạc sử dụng những nhạc cụ điện tử như đàn guitar điện, đàn organ,… tại không gian phố đi bộ. Những nhóm nhạc này thường xuất hiện rải rác ở nhiều khu vực. Hãy đi dạo quanh khu vực phố đi bộ để tìm ra họ đồng thời đừng quên  ủng hộ họ bằng vật chất nếu như bạn có điều kiện nhé!

Biểu diễn ca nhạc tại một góc phố đi bộ Hà Gươm
Biểu diễn ca nhạc tại một góc phố đi bộ Hà Gươm

#9. Những tiết mục xiếc đường phố

Những tiết mục xiếc hấp dẫn cũng được tổ chức tại phố đi bộ. Như hình ảnh bên dưới, 2 người nghệ sĩ đang biểu diễn tiết mục tung hứng thú vị để bà con chiêm ngưỡng rồi. Thay vì cho các con ra rạp mới coi được biểu diễn xiếc, thì ngay trên con phố đi bộ Hồ Gươm các con đã có thể xem những màn trình diễn đặc sắc.

Xiếc nghệ thuật tại phố đi bộ
Xiếc nghệ thuật tại phố đi bộ

#10. Những nghệ sĩ đường phố

Tới phố đi bộ, bạn không chỉ gặp người Việt mình mà còn gặp cả những người bạn nước ngoài đầy chất nghệ sỹ như thế này. Họ cũng hòa vào không khí vui tươi tại đây để dành cho khán giả những màn trình diễn âm nhạc tuyệt vời.

Nghệ sĩ đường phố biểu diễn tại phố đi bộ
Nghệ sĩ đường phố biểu diễn tại phố đi bộ

#11. Màn trình diễn “đặc biệt”

Một trong những trải nghiệm không thể quên đó là thưởng lãm những tiết mục văn nghệ được biểu diễn theo cách “đặc biệt” – Chơi kèn bằng mũi. Quả thực hết sức đặc biệt và không thể quên phải không.

Người nghệ sĩ đặc biệt với màn trình diễn có 102
Người nghệ sĩ đặc biệt với màn trình diễn có 102

II. Những hoạt động văn hóa

Phố đi bộ Hà Nội còn nổi tiếng bởi các hoạt động văn hóa đặc sắc như việc cho chữ của ông đồ, vẽ tranh nghệ thuật hay hóa trang thành những nhân vật kỳ lạ trong phim, truyện.

Các hoạt động diễn ra tại phố đi bộ Hà Nội
Các hoạt động diễn ra tại phố đi bộ Hà Nội

#12. Cho chữ phố đi bộ Hà Nội

Tại khu vực đối diện tháp Rùa, bạn có thể bắt gặp ông đồ mặc áo dài đen, đầu vấn khăn đang vừa mài mực, vừa giới thiệu với những người dân đứng quanh về ý nghĩa của những chữ “Tâm”, chữ “Phúc”, chữ “Nhẫn”,… Hãy dừng lại một chút để lắng nghe những câu chuyện này, bạn sẽ thấy vô cùng thích thú với những kiến thức mình mới nhận được đó. Hoạt động xin chữ trên phố đi bộ

Hoạt động xin chữ trên phố đi bộĐể nhận được chữ viết, bạn có thể cần chi khoảng 200 ngàn đồng, tuy nhiên giá trị nhận về sẽ nhiều hơn rất nhiều mức tiền đó.

Thầy đồ cho chữ ở Phố đi bộ Hà Nội
Thầy đồ cho chữ ở Phố đi bộ Hà Nội

#13. Những tác phẩm tranh nghệ thuật

Một trong những hoạt động rất thú vị của phố đi bộ Hồ Gươm là hoạt động vẽ tranh chân dung của các nghệ sĩ đường phố. Bạn có thể chọn lặng mình giữa dòng người xuôi ngược, để nghệ sỹ dùng chì than họa nên bức chân dung đen trắng đậm chất nghệ thuật cho mình. Nơi các nghệ sỹ thường xuất hiện là khu vực ngay đối diện tháp Rùa. Với chỉ 100 ngàn đồng, bạn đã có thể đem về bức chân dung của chính mình rồi.

Vẽ tranh chân dung tại phố đi bộ Hồ Gươm
Vẽ tranh chân dung tại phố đi bộ Hồ Gươm

#14. Tượng nghệ thuật

Những “tượng người” thường chỉ xuất hiện tại nước ngoài cũng xuất hiện trong con mắt người dân dạo chơi phố cổ Hà Nội. Những “bức tượng” này được người diễn tô vẽ rất cầu kỳ. Bạn có thể chụp ảnh cùng họ và tặng họ chút tiền để cảm ơn nhé!

III. Những hoạt động vui chơi cuối tuần 

Bên cạnh những hoạt động được đăng ký biểu diễn, tổ chức. Người dân tới phố đi bộ cũng thường tự tạo ra những hoạt động cho chính mình sau tuần dài làm việc căng thẳng.

#15. Địa điểm tụ tập cuối tuần

Các nhóm bạn có thể tới đây, chọn một góc phố nhỏ là đã có thể thoải mái buôn chuyện, đàn hát rộn ràng như thế này. Những chàng trai, cô gái say mê hát khiến bạn cũng nhẩm hát theo và hòa vào không khí rộn ràng lúc nào không hay.

tiet muc bieu dien tu phat cua nhom cac ban tre tai pho di bo
Tiết mục biểu diễn tự phát tại phố đi bộ Hà Nội

#16. Phố đi bộ – nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp

Các cặp không chỉ  quen biết nhau từ phố đi bộ, mà còn  chọn những cảnh đẹp nơi đây hay những con đường phố cổ nhỏ bé để ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc, ấm áp nhất.

 Phố đi bộ là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp
Phố đi bộ là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp

#17. Tô tượng

Các em bé thường rất thích trò chơi tô tượng này. Bố mẹ chỉ cần chi khoảng 40 ngàn đồng là các bé đã có thể thoải mái đùa vui bằng sắc màu với những bức tượng thạch cao trắng muốt.

Trò tô tượng thu hút các bạn nhỏ
Trò tô tượng thu hút các bạn nhỏ

#18. Xếp gỗ

Trò chơi xếp gỗ đòi hỏi sự khéo léo được chia làm nhiều cấp độ. Những thanh gỗ có thể xếp lên cao thành rất nhiều mức. Rút gỗ sao cho khéo để không làm đổ cả khối gỗ chính là yêu cầu mà người chơi cần đáp ứng. Bạn có thể tìm tới chơi cùng các nhóm chơi xếp gỗ ngay gần khu vực đền Ngọc Sơn nhé.

Trò chơi xếp gỗ cho trẻ em
Trò chơi xếp gỗ cho trẻ em

#19. Hóa trang thú nhồi bông ngộ nghĩnh

Các em bé cực thích những chú thú nhồi bông do người hóa trang thế này. Đưa con tới phố đi bộ ngay để bé được thoải mái vui chơi hồn nhiên như thế này bạn nhé.

Hóa trang Mascot tại phố đi bộ
Hóa trang Mascot tại phố đi bộ

#20. Ô tô điều khiển

Bạn có thể thuê những chiếc ô tô đồ chơi này theo giờ tại khu vực phố Lê Thạch giao với Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Bài,… Bạn không cần đặt cọc tiền xe, mà chỉ cần để lại số điện thoại là đã có thể thuê xe với giá 50k/30 phút rồi.

#21. Trượt Patin cùng cả gia đình

Không gian rộng rãi và không cho phép các phương tiện giao thông lưu thông trong khung giờ nhất định khiến  phố đi bộ Hà Nội là địa điểm tuyệt vời của các đôi chân “patin” điệu nghệ. Các gia đình thường đưa con tới đây để các bé có thể trượt patin vừa thoải mái lại an toàn.

truot patin tren pho di bo ha noi
Trượt Patin trên phố đi bộ

Đến đây là đã hết các hoạt động tại phố đi bộ? Chắc chắn là chưa rồi, hãy cùng Dulichtoday khám phá phần tiếp theo của khu phố đi bộ Hà Nội. Đó chính là các hoạt động ẩm thực, ăn uống hấp dẫn nơi đây!

B. Phố ẩm thực đi bộ Hà Nội

Nhắc tới ẩm thực phố đi bộ, có quá nhiều thứ để nói về ẩm thực nơi đây. Với những món ăn mang đậm hương vị truyền thống Hà Nội xưa đi cùng với đó là những món ăn hiện đại của nhiều vùng miền trên tổ quốc hội tụ tại nới đây. Cùng Dulichtoday đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ăn gì ở phố đi bộ Hà Nội? 

I. Những món ăn vật khó cưỡng

Trước nhất, chúng ta có thể nhắc tới những món ăn vặt tuyệt ngon tại đây. Nào kem các loại, nào nem chua rán, chuối nướng, quẩy, bánh, nộm, đều là những món cực kỳ bắt miệng.

Khám phá ẩm thực phố đi bộ Hà Nội
Khám phá ẩm thực phố đi bộ Hà Nội

#22. Kem Tràng Tiền

Để ăn món kem Tràng Tiền trứ danh này trên phố đi bộ Hà Nội, bạn chỉ cần đi bộ tới số 35 Tràng Tiền, xếp hàng một chút là đã có thể mua được những cây kem dừa, đậu xanh, kem cốm ngon lành với giá chỉ 7 ngàn cho một chiếc kem que và 12 ngàn cho một chiếc kem ốc quế thơm ngon.

Kem Tràng Tiền Hà Nội
Kem Tràng Tiền Hà Nội

#23. Kem Thủy Tạ

  • Địa chỉ: phố Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm
  • Giá: 8.000 – 9.000đ

Ngay trên phố Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm là cửa hàng kem Thủy Tạ nổi tiếng. Kem ở đây vừa ngon là rẻ. Ba loại kem ngon nhất là kem chanh bạc hà và socola hạt và kem ốc quế. Chỉ với 8 – 9 ngàn là bạn đã tậu được kem que, còn với 15 ngàn thì bạn sẽ nhận được kem ốc quế thơm ngọt mát lịm.

Kem Thủy Tạ Bờ Hồ
Kem Thủy Tạ Bờ Hồ

#24. Kem ống

  • Địa chỉ: xe đẩy ngẫu nhiên trên phố đi bộ
  • Giá: 5.000đ

Kem ống Hội An, 5 ngàn một chiếc. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp và mua được những cây kem ngộ ngộ lại khá ngon này tại khu vực cạnh phố Tràng Tiền, đoạn rẽ vào phố sách Đinh Lễ.

Kem ống tại phố đi bộ Hà Nội
Kem ống tại phố đi bộ Hà Nội

#25. Bánh rán mặn ngọt

Quanh khu phố Lương Ngọc Quyến là nơi bán những chiếc bánh rán mặn ngọt, hấp dẫn trong cả bốn mùa. Mỗi chiếc bánh rán giá chỉ 4 ngàn đồng. Ăn vài chiếc là đủ no cho một buổi dạo chơi phố đi bộ Hà Nội.

Bánh rán mặn ngọt bờ hồ
Bánh rán mặn ngọt bờ hồ

#26. Nem chua rán

Nhắc tới nem chua rán ta sẽ nhớ tới ngay món nem chua rán ngõ Tạm Thương nổi tiếng. Giá bán của mỗi chiếc nem ngon lành là 5 ngàn đồng. Bên cạnh nem chua, khu phố còn bán kèm khoai tây chiên bơ, cá bò, cá chỉ vàng nướng nữa.

#27. Chuối nếp nướng

Món ăn mới lạ xuất hiện từ Sài Gòn đã chuyển ra tới phố đi bộ Hà Nội và làm mưa làm gió giới mê đồ ăn vặt Hà Nội. Giá một suất chuối bọc gạo xôi nếp thơm rưới cốt dừa là 20 ngàn. Bạn có thể tìm thấy quán bán chuối nếp nướng tại số 1 Hàng Đường.

Chuối nếp nướng Hà Nội
Chuối nếp nướng Hà Nội

#28. Quẩy nóng

Đến khu vực số 73 Hàng Bông, bạn có thể tìm thấy hàng quẩy nóng nho nhỏ rất hút khách. Quán bán quẩy ăn kèm nước chấm với giá chỉ 20 ngàn/đĩa 10 chiếc thơm ngon.

Quẩy nóng hàng Bông
Quẩy nóng hàng Bông

#29. Bánh tráng trộn

Bỏ qua bánh tráng trộn Hàng Trống sẽ quả là đáng tiếc khi đến dạo chơi phố đi bộ Hà Nội. Bánh tráng trộn tại ngay số 90 phố Hàng Trống có giá chỉ từ 20 ngàn đồng một suất ngon lành đủ để cho bạn lấy sức khám phá tiếp.

Bánh tráng trộn Hàng Trống
Bánh tráng trộn Hàng Trống

#30. Bánh khúc

Bạn có thể tới khu vỉa hè phố Cầu Gỗ để tìm được quán bánh Quân khúc thơm ngon sau một hồi dạo quanh phố đi bộ nhé. Một suất bánh khúc ở đây có giá chỉ là 25 ngàn đồng thôi.

Bánh khúc Cầu Gỗ nổi tiếng
Bánh khúc Cầu Gỗ nổi tiếng

#31. Nộm

Còn món nộm gà thơm ngon? Bạn có thể tìm thấy chúng ở đoạn phố Lãn Ông. Giá một bát nộm gà đầy đủ là 25 ngàn đồng bạn nhé.

II. Những khu phố ăn uống nổi tiếng trong phố đi bộ Hà Nội

Ngoài những món ăn vặt, phố đi bộ Hà Nội còn nổi tiếng bởi những con phố chuyên về ăn uống. Thực khách khi đến đây ngoài được thưởng thức những món ăn hấp dẫn còn có thể mua những đặc sản về làm quà.

Các quán ăn vặt phố đi bộ Hà Nội
Các quán ăn vặt phố đi bộ Hà Nội

#32. Phố Tạ Hiện

Con phố Tạ Hiện quá nổi tiếng với người dân thủ đô cũng như du khách từ khắp mọi miền trên tổ quốc. Đến Tạ Hiện, chắc chắn không thể bỏ qua bia và đồ nhắm rồi. Con phố nhỏ chỉ dài khoảng 300m nhưng có rất nhiều quán bia có bán kèm đồ nhậu như nem chua, xiên chiên, khoai tây chiên,… Giá bia tại đây là 30 – 35 ngàn/ chai, các món ăn kèm có giá dao động từ 30 ngàn trở lên.

Bia Tạ Hiện
Bia Tạ Hiện

#33. Phố Mã Mây

Ngay sát Tạ Hiện là phố Mã Mây nổi tiếng với các quán đồ nướng. Có rất nhiều cửa hàng bán đồ nướng tại con phố này, mỗi quán lại có đồ nướng với vị ngon khác nhau. Nhưng đặc biệt là bò nướng Mã Mây Xuân Xuân ngon chứ danh. Bạn có thể gọi đồ theo set, hoặc từng đĩa đồ ăn nướng riêng biệt. Giá của mỗi set thường từ 200 ngàn, còn các đĩa đồ riêng thường từ 50 ngàn/đĩa.

Bò nướng Mã Mây
Bò nướng Mã Mây

#34. Đinh Tiên Hoàng

Tới số 61 Đinh Tiên Hoàng, bạn sẽ tìm thấy quán phở Thìn nổi tiếng lâu đời và là quán phở duy nhất trên bờ Hồ.  Vị phở ở đây được đánh giá còn giữ được hương vị thơm ngon của phở Hà Nội xưa. Hãy tới và thưởng thức bạn nhé. Một bát phở có giá từ 40 – 70 ngàn.

Phở Thìn bờ Hồ Hà Nội
Phở Thìn bờ Hồ Hà Nội

#35. Ngõ Gạch

Chân gà nướng Ngõ Gạch, nhắc tới là thèm. Vi chân gà nướng thơm quyện cùng mật ong ngọt dịu chắc chắn sẽ níu bất kỳ ai trót mê món ăn này. Giá một chiếc chân gà nướng là 16 ngàn. Ngoài chân gà còn có bánh mì nướng bơ mật ong giá chỉ 10 ngàn/chiếc, gọi ăn kèm tuyệt ngon bạn nhé.

Chân gà nướng Ngõ Gạch
Chân gà nướng Ngõ Gạch

#36. Phố nhà Thờ

Đến phố đi bộ Hà Nội đừng quên trà chanh chém gió phố nhà Thờ. Cái tên này đã trở thành biệt danh khi bạn nghe tới tên khu phố này. Chỉ cần đi bộ từ hàng Trống một chút là bạn đã có thể tìm thấy những quán trà chanh. Ghế nhựa, cốc trà chanh, đĩa hướng dương, chỉ từ 15 – 50 ngàn đã đủ cho một buổi chém gió tưng bừng rồi. Ngoài ra, bạn có thể xem thêm bài viết 5 gợi ý cho chuyến tham quan Nhà thờ Lớn ở Hà Nội để không bỏ lỡ bất kì hoạt động nào diễn ra nơi đây nhé.

Trà chanh chém gió
Trà chanh chém gió

#37. Hàng Bồ

Hàng Bồ sở hữu món bánh há cảo và bánh tôm giòn ngon nức tiếng. Nước chấm ở đây đặc biệt ngon và hợp với những món bánh này. Giá chỉ 25 ngàn cho một đĩa đầy đủ bạn nhé.

Hà cảo và bánh tôm Hàng Bồ
Hà cảo và bánh tôm Hàng Bồ

#38. Hàng Bạc

Bên trong ngõ Trung Yên phố Hàng Bạc là quán miến trộn mực vô cùng hấp dẫn do người dùng bình chọn . Bạn có thể dành thời gian để ghé vào và thưởng thức vị dai dai ngọt ngọt quyện cùng miến thơm ngon tại đây nhé. Giá một bát đầy đủ là 40 ngàn đồng, hơi cao, nhưng đáng đồng tiền bát gạo.

Miến trộn mực tại phố đi bộ
Miến trộn mực tại phố đi bộ

#39. Hòe Nhai

Hòe Nhai không chỉ nổi tiếng với món bít tết mà còn nổi tiếng với bún ốc. Một bát bún ốc thơm ngon dậy mùi tại đây có giá từ 30 – 50 ngàn các loại, gồm đậu hay gia giảm thêm giò chả nhé. Tuy nhiên Hòe Nhai lại cách khá xa phố đi bộ Hà Nội, bạn nên cân nhắc đến đây ăn sau khi kết thúc chuyến đi của mình nhé.

Bún ốc Hà Nội
Bún ốc Hà Nội

#40. Hàng Đường

  • Nhận chỉ đường đến Hàng Đường.

Con phố nổi tiếng với các tiệm ô mai đủ loại. Từ các loại ô mai quen thuộc tới các loại ô mai có vị lạ hơn. Giá bán từ vài chục ngàn tới tiền trăm ngàn cho mỗi loại ô mai riêng biệt bạn nhé. Đây là một trong những đặc sản Hà Nội làm quà ý nghĩa cho người thân và gia đình khi kết thúc chuyến tham quan phố đi bộ.

Ô mai Hàng Đường
Ô mai Hàng Đường

Phần tiếp theo của bài viết Dulichtoday muốn gửi tới các bạn đó là về các sự kiện diễn ra tại phố đi bộ Hà Nội. Hằng năm có rất nhiều sự kiện diễn ra tại đây, từ những sự kiện có tính chu kì như Chợ đêm phố cổ, Coutdown năm mới… cho tới những sự kiện bột phát như Free hugs, ăn mừng chiến thắng U23…

C. Sự kiện diễn ra tại phố đi bộ

Nhờ không gian rộng lớn, phố đi bộ hồ Gươm thường xuyên được chọn là nơi để tổ chức nhiều hoạt động lớn như Countdown hàng năm và các sự kiện thú vị khác.

Sự kiện phố đi bộ Hà Nội
Sự kiện phố đi bộ Hà Nội

#41. Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản

  • Chủ đề: Trưng bày và giới thiệu hoa anh đào Nhật Bản
  • Địa điểm: Vườn hoa Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản thường được diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ là một trong những  sự kiện được tổ chức hằng năm tại vườn hoa Lý Thái Tổ trên con phố đi bộ Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Tại lễ hội lần này, thành phố Hà Nội phối hợp cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ trưng bày khoảng 30 cây và 10.000 cành hoa anh đào và một số những loài hoa đặc trưng của Việt Nam và Hà Nội.

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản 2018

#42. Chợ đêm phố cổ Hà Nội

Cứ mỗi tối thứ 6 hàng tuần là khu vực kéo dài khoảng 1km từ khu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho tới khu vực cổng chợ Đồng Xuân lại được chặn lại để tổ chức chợ đêm Hà Nội – chợ đêm Đồng Xuân. Chợ đêm Hà Nội từ lâu đã là một trong những địa điểm tham quan, mua sắm nhộn nhịp không thể bỏ lỡ dành cho cư dân cũng như du khách bốn phương khi tới vui chơi ở phố đi bộ Hà Nội.

#43. Sự kiện Countdown

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là địa điểm quen thuộc để tổ chức sự kiện Countdown – đếm ngược tới khoảnh khắc giao thừa vào mỗi ngày 1/1 dương lịch hàng năm. Ngoài ra, nơi đây cũng thường là điểm tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội.

#44. Free Hugs

Hoạt động có phần “lạ” này là một sự kiện ra đời từ facebook trong năm 2017, và phố đi bộ Hà Nội chính là địa điểm được lựa chọn. Những người đến đây sẽ được “ôm” các chàng trai 6 múi và chụp ảnh lưu niệm cùng.

Sự kiện ôm miễn phí trên phố đi bộ
Sự kiện ôm miễn phí trên phố đi bộ

#45. Hoạt động ngoại khóa

Ngoài các sự kiện, lễ hội, thì các sự kiện thể thao, hoạt động ngoại khóa cũng thường xuyên được tổ chức tại phố đi bộ hồ Gươm. Ví dụ như sự kiện dành cho các bé này chẳng hạn.

Những nội dung hữu ích khác về phố đi bộ Hà Nội

Phố đi bộ Hà Nội ở đâu? Phố đi bộ gồm những tuyến phố nào?

Phố đi bộ Hà Nội ở đâu?

Phố đi bộ Hà Nội là cách gọi cho tuyến phố nằm tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, xung quanh Hồ Gươm cùng với những tuyến phố khác tại khu vực này dành cho mục đích đi bộ.

Những tuyến phố đi bộ ở Hà Nội

Theo quy định, những tuyến phố đi bộ ở Hà Nội được chia làm hai khu vực chính là khu vực xung quanh Hồ Gươm và khu vực phố cổ đi bộ Hà Nội.

Khu vực quanh Hồ Gươm bao gồm các tuyến phố đi bộ sau:

  • Đinh Tiên Hoàng
  • Lê Lai
  • Lê Thạch
  • Đinh Lễ
  • Nguyễn Xí
  • Tràng Tiền
  • Hàng Khay
  • Lê Thái Tổ (một nửa đường)
  • Lò Sũ
  • Hàng Dầu
  • Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
  • Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ)
  • Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ)
  • Một phần Bảo Khánh
  • Tràng Thi
  • Hàng Trống
  • Hồ Hoàn Kiếm

Khu vực phố cổ đi bộ Hà Nội bao gồm các tuyến phố

  • Hàng Ngang, Hàng Đào tới khu vực chợ Đồng Xuân
  • Hàng Thùng
  • Tạ Hiện
  • Hàng Giấy
  • Hàng Buồm
  • Đào Duy Từ
  • Mã Mây

Như thế, cộng cả các tuyến phố đi bộ cũ và mới, Hà Nội sẽ có tổng cộng khoảng 6,5 km đường dành cho việc đi bộ.

Cấm xe quanh khu phố đi bộ Hà Nội?

  • Cấm toàn bộ phương tiện cơ giới và thô sơ hoạt động trên các tuyến phố đi bộ Hà Nội này.
  • Cấm xe ô tô và các loại xe tương tự trên phố Bảo Khánh (đoạn từ Hàng Trống đến Ngõ Bảo Khánh); phố Lương Văn Can (đoạn từ Lương Văn Can – Hàng Gai đến ngõ Hàng Hành), ngõ Bảo Khánh, ngõ Hàng Hành. Các phương tiện khác lưu thông bình thường.
  • Các phương tiện lưu thông bình thường: phần đường bên phải tuyến phố Lê Thái Tổ (tiếp giáp với hồ Hoàn Kiếm) đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay.
  • Với những người dân sống tại những khu phố cấm: bạn sẽ cần sở hữu những tấm thẻ “Ra vào khu vực đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận – dành cho người sử dụng phương tiện giao thông trong khu vực” để được quyền dắt xe vào khu vực cấm.

Phố đi bộ Hà Nội Mở vào thứ mấy?

Phố đi bộ Hà Nội vào thứ mấy?

Bạn có thể tới phố đi bộ Hà Nội vào những ngày cuối tuần từ thứ sáu – chủ nhật.

Phố đi bộ Hà Nội bắt đầu từ mấy giờ?

Phố đi bộ Hà Nội bắt đầu từ mấy giờ?

Phố đi bộ bắt đầu từ 19 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ Nhật mỗi tuần. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trong nhà (nhà hàng, khách sạn, quán bar) được phép hoạt động, thì thời gian được kéo dài đến 2h sáng hôm sau.

Gửi xe phố đi bộ Hà Nội

Gửi xe phố đi bộ Hà Nội

Thành phố Hà Nội đã quy định về khu vực gửi xe phố đi bộ Hà Nội tại các điểm trông giữ của Đoàn thanh niên Công an Hà Nội với vé xe do cục thuế TP Hà Nội phát hành là 10.000 VNĐ/xe. Ngoài ra còn có những điểm gửi xe tự phát, như khu Cầu Gỗ, Hàng Bạc,… Vé xe của những điểm này thường giao động từ 10.000 – 50.000 VNĐ/xe tùy ngày thường hoặc lễ tết.

Ở phần này, Dulichtoday sẽ liệt kê tất cả những điểm gửi xe thuân tiện nhất cho việc vui chơi tại phố đi bộ bạn nhé.

Địa điểm gửi xe quanh khu vực Hồ Gươm

Bao gồm 78 địa điểm cho tất cả các loại phương tiện từ xe máy, xe đạp cho đến oto, xe khách.

Xe du lịch, xe chở khách:

  • Trần Khánh Dư (sát tường rào Bảo tàng lịch sử)
  • Trần Quang Khải (bãi đá)
  • Phùng Hưng (đường cụt)

Xe ôtô con:

  • Lý Thái Tổ (Lò Sũ – Lê Lai)
  • Ngô Quyền (16-22 và Lê Lai – Lê Thạch)
  • Lý Thường Kiệt; Trần Hưng Đạo
  • Hai Bà Trưng (trước số nhà 34-38)
  • Quang Trung (Hai Bà Trưng – Tràng Thi)
  • Lê Phụng Hiểu (vườn hoa Diên Hồng)
  • Cổ Tân (Vườn hoa Cổ Tân)
  • Phạm Ngũ Lão
  • Trần Nhật Duật (bãi đỗ xe cao tầng)
  • Phùng Hưng (vỉa hè và lòng đường)
  • Bát Đàn
  • Nhà Thờ
  • Hàng Trống
  • Quang Trung
  • Trần Nguyên Hãn (Ngô Quyền, Tông Đản)
  • Hàng Bài (Hai Bà Trưng – Tràng Thi, đối diện Tràng Tiền Plaza)

Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy:

Phố Hai Bà Trưng:

  • Trước nhà số 1-3, số 5; số 7 – 9
  • Trước nhà số 11, số 15 (cục CNTT)
  • 17 (Ban Đoàn kết Công giáo)
  • Trước nhà số 28-32
  • Trước nhà số 35
  • Trước nhà số 38A, các số nhà 22B, 23L, 23K, 23T, 29F 37, 38, 40, 41, 44, 48, 54 (Bộ Công Thương)
  • Tràng Tiền Plaza (phố Hai Bà Trưng)

Phố Quang Trung:

  • Tường rào thư viện Quốc gia
  • Các số nhà 2E, 2D, 3C, số 3 (Viện Dược Liệu)
  • Bên chẵn phố Hàng Bài (Hai Bà Trưng – Lý Thường Kiệt)

Phố Ngô Quyền:

  • Số 1B (Công đoàn GTVT Hà Nội)
  • Số 2-4, số 6, số 8, số (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã Hội)
  • Số 12, số 14, số 16, số 18-20, số 18D

Phố Lý Thái Tổ:

  • Hè phố Lý Thái Tổ (27-27B)
  • Số 34m 36, số 51
  • Trước nhà 55-57
  • Trước nhà 58-60; 61 Lý Thái Tổ + Lý Đạo Thành
  • Vườn hoa Diên Hồng (mặt phố Lý Thái Tổ)
  • Hè phố Lý Thái Tổ (Khách sạn Điện Lực)
  • Phố Lê Phụng Hiểu: Số 11
  • Phố Bà Triệu: số 28-34l
  • Lề đường Hàng Gai (từ số số 58 – 50; từ số 196-90)

Gợi ý nơi gửi xe và giá vé gửi xe khác

Nếu bạn di chuyển bằng xe máy

  • Bạn có thể chọn điểm gửi xe dọc phố Bảo Khánh cạnh Hàng Trống, giá trung bình gửi ban ngày 3 – 5k/xe, buổi tối 10k/xe, sau đó đi bộ thêm một đoạn ngắn để vào phố cổ hay nhà thờ.
  • Bãi trông xe cạnh nhà hát lớn, giá 3k – 10k.
  • Xa hơn hoặc không tìm được nơi gửi khác, bạn có thể gửi xe tại siêu thị Intimex trên Lê Thái Tổ, giá 10k.

Nếu bạn di chuyển bằng oto

  • Bạn có thể cài đặt ứng dụng Iparking có trên điện thoại để tìm điểm đỗ xe trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt – giá 20k/1h.
  • Bạn có thể gửi xe ở khu Phùng Hưng, đoạn đầu Hàng Mã – giá 40k/3h.
  • Gửi xe ở khu đối diện chân cầu Long Biên (Trần Nhật Duật đoạn Cao Thắng) bên trái đường có khu gửi xe.qua đêm 2 tầng hiện đại, lễ đông vẫn nhận trông xe – giá 50k – 70k.
  • Sát sau chợ ngã 4 Hàng Khoai với Nguyễn Thiện Thuật có 1 bãi đỗ xe – giá 30k.

Nếu bạn cần sự trợ giúp, hãy liên hệ tới các trụ sở công an thuộc quận Hoàn Kiếm:

Đăng kí hoạt động biểu diễn tại phố đi bộ Hà Nội

Các tổ chức, cá nhân biểu diễn ở phố đi bộ Hà Nội phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc tổ chức sự kiện quần chúng tại phố đi bộ nhất thiết phải có văn bản gửi Sở VHTT Hà Nội thông báo về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn. Sở sẽ xem xét nội dung chương trình biểu diễn và giải quyết tiếp nhận Thông báo theo quy định.

Bạn có thể gửi câu hỏi tại: http://sovhtt.hanoi.gov.vn/gui-cau-hoi

Những tuyến phố đi bộ ở Hà Nội khác?

Bên cạnh phố đi bộ quanh Hồ Gươm, thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch mở thêm không gian văn hoá – giải trí quanh khu vực quận Tây Hồ trên phố Trịnh Công Sơn. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, tuyến phố đi bộ mới này sẽ có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, mở các gian hàng mô phỏng kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An kết hợp văn hóa ẩm thực các vùng miền,… để phục vụ khách tham quan.

Trên đây là những hoạt động tại phố đi bộ Hà Nội mà Dulichtoday tin rằng bạn sẽ trải nghiệm khi tới nơi đây. Chúc bạn những khoảnh khắc thực sự tuyệt vời và tràn ngập yêu thương.

5/5 - (8 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

11 Comments

  1. Cuối tuần đến với chỗ này cũng ổn, không gian thoáng mát, xen lẫn với những tiếng nhạc nhộn khắp nơi, cảm giác như đục khoét lỗ tai, nhức tai lắm. Vẫn còn lộn xộn, buôn bán hàng k biết có đảm bảo chất lượng về những đồ ăn hay không? nhưng được cái đồ ăn rẻ thôi, xúc xích với thịt xiên nướng có 10k thôi nhen. Ngoài ra ăn kem và các thứ các thứ vẫn còn muốn ăn. Cứ chế vậy thôi nhưng ăn vẫn phải ăn trước đã

  2. Chiều thứ 6 phố đi bộ đã mở chưa ạ, muốn đi từ Big C Thăng Long tới Phố đi bộ thì đi theo đường nào? Gửi xe để ở chỗ nào vậy ad. K đi nhiều đường phố hà nội nên k biết nhiều về đường đi nhờ ad chỉ dùm cho với ạ. Cám ơn.

  3. Phố đi bộ càng ngày càng đáng yêu và trở thành nét văn hóa đặc sản của Hà Nội những ngày cuối tuần. Không khí, không gian, ẩm thực, các hoạt động và con người tạo nên một lễ hội thực sự mà ở đó mọi lứa tuổi, sắc tộc, tôn giáo đến từ mọi quốc gia có thể hòa vào làm một. Đến giờ có thể thấy việc đóng đường cấm xe để tạo nên không gian này là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

  4. Quang cảnh Hồ gươm đẹp, rộng,thoáng, thời tiết hiện tại mát mẽ, đây mới là lý tưởng cho những bạn trẻ ở Hà Nội tập trung vui chơi,giải trí vào dịp cuối tuần.

  5. Tôi rất thích địa điểm này, đây là một nét đẹp văn hóa của thủ đô, cần mở rộng và phát triển thêm nhiều những nét đẹp văn hóa, để gìn giữ và bảo tồn những trò chơi dân gian, và cùng giữ gìn nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác…

  6. Tôi thích phổ đi bộ Hồ Gươm nhưng có 2 điều tôi chưa thích về cách tổ chức và quản lý ở đây, đó là: 1/ mở loa quá to mỗi khi tổ chức sự kiện, dường như các nhà tổ chức quên rằng QUANH KHU VỰC NÀY CÒN CÓ DÂN Ở, nên mở loa to (thậm chí là quá to) như vậy sẽ có nghĩa là vi phạm luật quản lý đô thị; 2/ để cho nhiều người bán hàng rong (chủ yếu là đồ uống và ăn) tự do “bao vây” các lối đi vào (mà tôi tin chắc là có một thoả thuận ngầm với các nhà quản lý) gây mất vệ sinh, trật tự, và mỹ quan của phố đi bộ – tôi rất dị ứng với khung cảnh nhếch nhác này và rất bất mãn với việc buông lỏng quản lý ngay giữa một trung tâm văn hoá xã hội của trung tâm cả nước này. Không lẽ Sở VH Thông Tin nằm ngay đó lại không biết?? Không lẽ các nhà quản lý không thấy gì?! Không lẽ cuộc sống bình thường của dân và mục đích cao đẹp của việc tổ chức phố đi bộ này đã và đang phải nhường chỗ cho những lợi ích nào đó?!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button