Khám phá du lịch

4 mối nguy hiểm Tà Năng – Phan Dũng dân Trekking PHẢI BIẾT

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Note: Tên nhân vật đã được thay đổi nhằm đảm bảo thông tin của người đã mất.

Tà Năng Phan Dũng có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người trước khi trekking tại đây. Cùng tìm hiểu 4 thông tin quan trọng về địa điểm này theo các porter lâu năm và dân địa phương nhé! 

1. Cung đường dài và khó đi, có rất nhiều đoạn hiểm trở

Khung cảnh rừng Tà Năng như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm nguy, trắc trở. Hàng năm, Tà Năng thu hút đông đảo khách du lịch tham gia trekking nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện về sức khỏe cũng như kinh nghiệm để vượt qua hành trình lên đến 60km này. 

Rừng Tà Năng Phan Dũng trải dài trên cả 3 tỉnh là Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với địa hình trắc trở, các tuyến đường chưa được khai thác hết. Hiện nay, có 2 cung đường chính nếu muốn khám phá Tà Năng Phan Dũng là Cung Đồi Lính (35km) và Cung Thác Yavly (55km). 

Cung Đồi Lính có nhiều đường mòn và các dốc núi có độ cao chênh lệch nhau nhiều. Do đó, du khách thường hay bị lạc do lầm tưởng đường mòn là đường đã khai phá. Đi đường cung Đồi Lính tương đối mất sức vì bạn phải thường xuyên leo dốc cao và ít có điểm bằng phẳng để lấy lại trạng thái bình thường. Nếu trekking theo cung đường này, bạn sẽ mất khoảng 2 ngày 1 đêm để ra khỏi rừng.  

Đường trekking theo cung Thác Yavly khó đi hơn, đặc biệt nguy hiểm khi trekking vào mùa mưa lũ. Những con suối hiền hòa nhanh chóng trở nên dữ dội, có thể cuốn trôi người nếu cố băng qua. Trời mưa khiến tầm nhìn xa trong rừng bị hạn chế, dễ dẫn đến tình trạng trơn trượt, té ngã xuống thác nước khi đang di chuyển.  

Hơn nữa, cung đường Tà Năng – Phan Dũng là vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống duyên hải miền Trung, từ 1.100m xuống 500m so với mực nước biển nên mang đến nhiều trải nghiệm cho các phượt thủ. Mọi người phải trải qua các quá trình đi bộ băng rừng, trèo đèo lội suối nên yêu cầu về thể lực là rất cần thiết khi tham gia trekking. 

Nếu bạn chỉ đang du lịch tự phát, không có kế hoạch, “tham lam” mang vác nhiều đồ ăn, thức uống sẽ biến chuyến trekking trở thành cuộc “đại hành quân”, “siêu hành xác” thực sự.

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có nhiều đoạn hiểm trở, khó đi khiến du khách rất dễ bị nản lòng
Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có nhiều đoạn hiểm trở, khó đi khiến du khách rất dễ bị nản lòng

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có nhiều đoạn hiểm trở, khó đi khiến du khách rất dễ bị nản lòng

2. Thời tiết, thiên tai – Những tai nạn thương tâm 

Tà Năng có 2 mùa rõ rệt, đặc trưng của thời tiết miền Nam. Tuy nhiên, do địa hình rừng núi hiểm trở nên thời tiết ở đây khắc nghiệt hơn rất nhiều. Vào mùa khô, tiết trời nắng nóng nên di chuyển dễ bị mất sức do đổ mồ hôi nhiều. Phượt thủ dù nóng bức nhưng vẫn phải quấn khăn, quấn áo che kín cơ thể để tránh rát da, bỏng da. 

Đêm mùa khô ở Tà Năng cũng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều du khách do cát bay dày đặc, tầm nhìn xuống thấp cực điểm. Mọi người thường xuyên phải sử dụng kính râm, khăn đa năng, khẩu trang… để tránh cát bụi. Khi trời tối, hầu như không thể di chuyển hoặc ngồi ở ngoài lều, do đó, cần dùng bữa tối nhanh chóng trước khi bị “tấn công” bởi trận cát bay. 

Mùa mưa ở Tà Năng cũng không kém cạnh với sự dữ dội của thiên nhiên hoang sơ. Những con suối hiền hòa có thể “trở mặt” bất cứ lúc nào bởi nước lũ đổ về rất nhanh. Suối đục ngầu, sôi réo, từng con nước đổ xuống cuộn tròn, ầm ào như thú dữ muốn nuốt chửng tất cả những ai muốn bước qua nó. Và trên thực tế, những vụ tai nạn do thời tiết khắc nghiệt vẫn thường xuyên xảy ra tại Tà Năng Phan Dũng. 

Năm 2017, một nữ phượt 20 tuổi quê ở Đồng Nai đã bỏ mạng khi cố băng qua con suối gần thác Yavly. Năm 2018, nam phượt thủ Thi An Kiên bị lạc đường, mất dấu đồng đội cũng tử nạn do ngã từ thác cao xuống. 

Một vài phượt thủ đã tử nạn tại những con thác lớn ở Tà Năng – Phan Dũng
Một vài phượt thủ đã tử nạn tại những con thác lớn ở Tà Năng – Phan Dũng

3. Dễ bị lạc

Cung đường tà Năng – Phan Dũng dài hơn 60km, lại vắng người, có nhiều đường mòn, dễ gây nhầm lẫn làm cho các phượt thủ tưởng rằng đường do dân bản địa khai phá. Vì thế, các phượt thủ cần có người dẫn đoàn, đừng “tự sáng tạo” đường mới và phải tuân thủ theo các nguyên tắc về an toàn sau: 

Nắm vững về cung đường sẽ đi với GPS, offline maps, tracklog 

Không chỉ có trưởng nhóm mà tất cả các thành viên trong đoàn phải nắm rõ điều này để phòng trường hợp đi lạc, chẳng may bị tách đoàn còn biết cách tìm hướng mà ra. Trước khi tham gia trekking, bạn nên dành thời gian nghiên cứu cụ thể tuyến đường cũng như thành thạo các phần mềm chỉ đường như GPS, offline maps hay tracklog.

Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không tách đoàn

Khi tham gia trekking cần tuân thủ đúng hành trình đã dự định trước đó. Thực tế, chỉ cần một vài thành viên trong đoàn tách riêng, nán lại thêm một chút để chụp ảnh, check in, nghỉ ngơi, ăn uống,… mà không báo lại đã khiến tỷ lệ lạc đoàn tăng lên. Vì thế, các thành viên phải luôn bám sát, theo dõi nhau, luôn đi cùng đoàn trong mọi hoàn cảnh và trường hợp.

Nên có 2 - 3 porter để dẫn đường và kiểm đoàn nếu đội hình người tham gia trekking đông. 
Nên có 2 – 3 porter để dẫn đường và kiểm đoàn nếu đội hình người tham gia trekking đông.

Không đi suối, thác nếu chưa có kinh nghiệm, kỹ năng 

Nhiều du khách đến từ thành phố nên thường thiếu kinh nghiệm vượt suối, băng thác. Vì vậy, bạn chỉ nên đi nếu có porter hướng dẫn cụ thể hoặc đã có sẵn kinh nghiệm phượt ở những địa hình tương tự. 

Nếu muốn vượt thác, nên buộc dây chắc chắn để bám đuôi nhau, tránh trường hợp bị lạc. Đồng thời, không được đeo ba lô quá nặng, đứng trên những phiến đá trơn, nhiều khoảng lồi lõm vì rất dễ trượt chân ngã.

Nếu thấy nước đục, chảy mạnh, không nên cố vượt qua vì rất có thể lúc này lũ đang đổ về khiến nước chảy xiết hơn. Nếu đang ở giữa suối, cần nhanh chóng di chuyển đến bờ, tránh tối đa tình trạng đang vượt suối trong lúc lũ về vì nước xiết sẽ cuốn trôi tất cả, dễ gây tai nạn. 

4. Các yếu tố về tâm linh

Một điểm đặc biệt ở Tà Năng Phan Dũng thu hút du khách chính là những câu chuyện tâm linh kỳ bí. Có lẽ, vùng đất này chính là minh chứng tốt nhất cho câu nói “Ma Bình Thuận, cọp Khánh Hòa”. 

Tà Năng – Phan Dũng đẹp như một bức tranh thơ mộng với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ nhưng vẫn tồn tại nhiều câu chuyện tâm linh kì bí
Tà Năng – Phan Dũng đẹp như một bức tranh thơ mộng với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ nhưng vẫn tồn tại nhiều câu chuyện tâm linh kì bí

Câu chuyện về thần Rừng Tà Năng 

Ông cha ta thường bảo “Đất có thổ công, sông có hà bá”, đã đến với Tà Năng – Phan Dũng, du khách không được quên vị thần Rừng nơi đây. Người dân bản địa cho rằng cung đường Tà Năng – Phan Dũng chịu sự cai quản của thần Rừng Tà Năng, nên thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp hiếm có ở nước ta. 

Tuy nhiên, nếu đến Tà Năng mà có thái độ không tốt, phát ngôn có ý tự phụ như “Chẳng có gì phải sợ cả”, “Đây sẽ là nhà của mình”, “Muốn ở lại đây quá”… sẽ bị thần Rừng trách phạt. Những người này thường bị che mắt, dẫn đi lạc với đồng đội hoặc bị quấy phá không cho ngủ yên giấc trong rừng. 

Theo lời các porter, khi gặp phải vấn đề này, bạn cần thành tâm nhận lỗi, quỳ gối khấn thần Rừng để tạ tội. Thông thường, du khách nên đem theo nhang và rượu trắng để khấn thần Rừng. Mỗi khi gặp khó khăn hay muốn ngủ lại qua đêm, hãy rót rượu mời thần và xin phép, cầu nguyện, thần sẽ che chở cả đoàn khỏi muông thú, sương sa và giúp đỡ tháo gỡ khó khăn để có một chuyến đi an lành, yên ổn. 

Truyền thuyết mỗi năm 1 mạng người 

Hầu hết các porter lâu năm, dân địa phương tại Tà Năng đều tin vào câu chuyện Tà Năng Phan Dũng “mỗi năm lấy đi 1 mạng” vào tháng 10 hoặc tháng 4 âm lịch. 

Trong 3 năm từ năm 2016 cho đến năm 2018, mỗi năm đều có một người nằm lại Tà Năng như một quy luật tâm linh kì bí. Bắt đầu từ vụ tử nạn của 1 du khách nam quê Vũng Tàu vào ngày 30/4/2016 (tức 28 âm lịch) tại dốc Long Bích. Tháng 10/2017, một nữ phượt thủ đã bị lũ cuốn trôi khi băng qua suối tại thác Giao Ly. Chưa dừng lại ở đó, tháng 5/2018, người ta tìm thấy thi thể của nam phượt thủ mất tích 8 ngày tại khu vực núi Công Chúa. 

Sự thật “mỗi năm lấy đi một mạng” có thật hay không có lẽ chỉ những người đã nằm xuống mới biết rõ được câu trả lời. Tuy nhiên, những sự việc trùng hợp đáng sợ vẫn tiếp diễn khiến nỗi băn khoăn trong lòng mọi người lại dâng lên. 

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, khi đến trekking tại Tà Năng, bạn cũng nên chú ý không nên đi vào thời điểm tháng 04 và tháng 10 âm lịch. Về mặt tâm linh, đây là khoảng thời gian hay xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Nếu nhìn ở góc độ khoa học, 2 tháng này cũng là thời gian đỉnh điểm của thời tiết khắc nghiệt vào mùa mưa và mùa khô ở Tà Năng Phan Dũng. 

Những câu chuyện khác

Bên cạnh câu chuyện “mỗi năm một mạng người”, Tà Năng – Phan Dũng còn nổi tiếng với sự kiện “ma dắt hồn”. Ma nữ dẫn hồn người thông qua ảo ảnh về người thân, bạn đồng hành trong chuyến trekking của bạn. Người bị che mắt dắt hồn thường có ảo giác nhìn thấy bạn mình đang đi phía trước, nhưng thực tế đã bị dẫn đi theo hướng khác. 

Dân địa phương kể lại, nếu nhìn thấy dải khăn trắng, nắp chai đỏ tuyệt đối không được nhặt hoặc đi theo. Hầu hết người đi lạc đều cho rằng đây là những tín hiệu mà bạn bè mình để lại để giúp mình đi đúng hướng. Tuy nhiên, đây thực là “những tín hiệu chết”, bạn không những không thấy được bạn mình mà còn bị dắt vào lối mòn, hang sâu hay những vách đá cheo leo. 

Người dân tộc thiểu số ở đây kể lại, thi thoảng họ lại phát hiện ra du khách bị đi lạc trong tình trạng mệt mỏi, kiệt quệ sức lực. Thức ăn đem theo đã ăn hết, nước cũng không đủ dùng, may mắn là vẫn được tìm thấy và đưa về chăm sóc kịp thời. 

Đây thực sự là câu chuyện có thật hay chỉ là ảo giác của những con người đi lạc, lúc sức khỏe đã suy kiệt? Chưa ai dám khẳng định điều này nhưng nhiều người đã tin câu chuyện “ma dắt hồn” là có thật và truyền tai nhau để tăng thêm dư vị cho những chuyến đi đến Tà Năng – Phan Dũng. 

Khi hỏi “Tà Năng – Phan Dũng có nguy hiểm không?” thì câu trả lời tất nhiên là “Có”. Tuy nhiên, nếu như phượt thủ, du khách tìm hiểu kỹ về vùng đất này, tuân thủ những nguyên tắc đi rừng thì chuyến trekking Tà Năng sẽ trở nên thực sự thú vị.

 

5/5 - (2 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button