Khám phá du lịch

Khám phá Hải Dương 3 ngày 2 đêm chỉ với 300k

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Khi ngân sách hạn hẹp nhưng lại muốn bước chân đi xa khỏi thành phố bận rộn, quay cuồng. Tôi chợt nảy ra sáng kiến: sao không về quê đứa bạn mà chơi?!

Bởi thế chuyến du lịch Hải Dương bắt đầu đơn giản như thế!

Bắt đầu hành trình

Sau khi hỏi thông tin cụ thể từ bạn, tôi lên mạng đặt vé tàu hoả online. Một ghế mềm điều hoà với giá 55.000 đồng quả là hợp lý! Tôi xin nghỉ phép và bắt đầu lên đường đi tìm “không khí mới”. Hành trang chỉ là một cái ba lô với 5 bộ quần áo tất thảy: 3 bộ đi đường và 2 bộ ngủ, cộng 1  bộ trên người là vừa đủ cho chuyến đi 1 tuần.

Tôi xách ba lô ra ga tàu hoả, đủ thời gian lững thững đi bộ lên ngồi và chờ 10 phút thì tàu chuyển bánh.

Tâm trạng hồi hộp xen lẫn phấn chấn khiến tôi không ngừng dán mắt vào cái cửa sổ vén rèm. Buổi sáng sớm thật mát mẻ, phố phường không xô bồ như vốn có, Hà Nội xa dần, mặt trời rạng dần. Những cánh đồng, những mây với trời mênh mông bát ngát, thật yên bình! Tàu hoả ngày thường mà cũng đông đúc nhưng vẫn yên tĩnh và lịch sự.

Tàu hỏa
Tôi đến Hải Dương bằng cách đi xe lửa từ Hà Nội


Tôi mải miết dõi theo từng địa điểm mà đoàn tàu lướt qua. Loáng cái đã thấy loa thông báo “đoàn tàu đã đưa quý khách đến ga Cẩm Giàng. Quý khách có vé đến ga Cẩm Giàng xin vui lòng kiểm tra hành lý trước khi rời tàu để tránh nhầm lẫn, bỏ quên trên toa! Đoàn tàu sẽ dừng bánh ít phút...” Vậy là sắp đến ga Hải Dương rồi! Mặc dù chỉ có mỗi cái balo thôi nhưng tôi cũng háo hức kiểm tra “tư trang hành lý”. Mười lăm phút sau tàu đã đến ga Hải Dương. Tôi thấy một bác xe lam, phía sau có cái thùng như xe bò, có 2 hàng ghế, có cửa đóng đàng hoàng. Và thế là tôi chọn ngồi lên cái xe lam để trải nghiệm. Thoả thuận giá cả đến nhà bạn là 40.000 đồng. Tôi hớn hở trèo lên thùng xe ngồi chễm chệ. Mỗi mình!

thành phố Hải Dương
Thành phố Hải Dương sạch và thoáng đãng

Gió lồng lộng thổi, nắng đầu hạ bắt đầu vàng óng, chảy dài trên từng lọn tóc, bao phủ lên tất thảy cảnh vật. Trời xanh trong được tô điểm bằng vài vạt mây trắng và vài con diều xanh đỏ vi vu thổi sáo. Triền đê đã được phủ bê tông chắc chắn, thi thoảng có chỗ người ta trồng hoa, có chỗ trồng rau, có chỗ cỏ bon chen mọc.

Tôi đã đến Hải Dương với tâm thế mới mẻ và đầy háo hức để đón nhận “luồng gió mới” từ một thành phố còn nửa thành thị nửa nông thôn.

Đến Hải Dương, ăn “quên đường về”

Là chuyến du lịch tự túc theo kiểu “về quê đứa bạn thân” nên tôi gặp rất nhiều “lợi thế”: được ở nhà bạn, được bạn dẫn đi chơi, được thết đãi những món ngon nhất của nơi đây.

Bánh đa cá rô đồng
Bánh đa cá rô đồng – món quê dân dã mà say lòng người

Buổi sáng đầu tiên, mỗi đứa gọi tô bánh đa cá rô đồng. Cá được gỡ xương, rim với mắm và hành khô, xương thì giã ra, lọc lấy nước làm nước dùng. Khi ăn có thìa là và hành hoa, có thể ăn cùng rau cải, rau ngót, rau cần,… Nước dùng hơi đục vì xương cá giã nhưng ngọt thanh và ăn không ngán.

Canh bồng khoai cá diêc
Món canh bồng khoai cá mương thấm đượm hồn quê

Bữa trưa ở nhà bạn là một bữa cơm thôn quê nồng đượm: có đậu phụ luộc chấm mắm tôm, bồng khoai nấu cá mương và cá diếc rán giòn. Món bồng khoai (dãi khoai) đúng là món chân quê vô cùng và đặc biệt nhất bữa! Vị chua thanh của mẻ, chút nghệ tươi tô điểm màu vàng nhẹ, màu đỏ vàng hơi cay của ớt tươi, vịt ngòn ngọt của cà chua và cá được ninh mềm, mùi hành hoa, tía tô, mùi tàu, tỏi băm quyện vào nhau thật hấp dẫn! Cá diếc rán vàng ươm, thịt dai và thơm!

cá diếc nấu ngải cứu
Cá diếc nấu ngải cứu – món ăn lạ lùng lần đầu thưởng thức

Mẹ bạn sau đó còn thết tôi món cá diếc nấu ngải cứu mà lần đầu tôi được ăn. Mùi ngải cứu thơm hắc, non ngọt và ngăm đắng quyện vào vị ngọt của cá. Ăn xong khoan khoái trong người lắm! Những món ăn ở Hải Dương thật dịu nhẹ và dễ ăn!

đọt lang luộc
Đọt lang luộc: món quà quê ngọt lành

Những bữa cơm quê tươm tất ở nhà bạn với món rau lang luộc chấm mắm cáy và tôm sông rang khiến tôi như được trở về tuổi thơ. Rau lang chan chát ngòn ngọt chấm với mắm cáy tanh nồng cay cay thật là vị khó quên! Những con tôm sông chắc và thơm thịt, vỏ giòn thịt mềm mằn mặn ăn thật tốn cơm!
Tối ngồi hè hóng gió ngoài sông thổi vào. Mẹ bạn bảo tôi đi pha ấm trà rồi bác mang ra gói bánh đậu xanh ngọt và ngậy thưởng thức cùng chén trà chát chát rất hợp vị! Ngồi trên cái chiếu nghe gió lồng lộng thổi vào, nghe câu chuyện kể: Hải Dương là quê hương của vải thiều, bánh đậu xanh, của bánh gai, bún cá, bánh cuốn. Vải Thiều Thanh Hà ngọt mát, thơm và hạt nhỏ xíu. Ăn một miếng nhớ mãi không thôi. Nhưng giờ vải được lai tạo nhiều nên vị cũng có chút khác xưa nhiều lắm, hạt cũng to hơn. Bánh gai Ninh Giang thì nhỏ, mềm, vỏ bánh ngọt vừa, nhân bánh có đậu xanh, dừa nạo, mỡ phần, cũng là một món ăn mang hương vị khác biệt so với những vùng khác.

Bánh gai
Bánh gai Ninh Giang là đặc sản địa phương nổi tiếng

Nhìn bữa tối ấm cúng ở nhà bạn, tôi thấy thèm cái cảm giác quây quần gia đình này quá! Đã bao lâu rồi chẳng nhớ nổi, tôi cứ chỉ một mình và mong mỏi! Những giây phút bên mâm cơm gia đình là những giây phút tôi vẫn hằng mong đợi nhất! Tôi thấy nhớ nhà trong hạnh phúc mơn man!

Bánh cuốn
Bánh cuốn Hải Dương, ăn một lần nhớ mãi

Thêm nữa, ai đến nơi đây cũng phải thưởng thức bánh cuốn Hải Dương ít nhất một lần, hương vị không thể xen lẫn vào đâu được. Bánh cuốn Hải Dương mỏng tang, mềm mướt, có vỏ hành phi trên từng tấm bánh. Ăn với chả heo, rau thơm và nước mắm chua ngọt. Tôi ăn hết 1 đĩa to mà vẫn thấy thòm thèm! 

Rươi Tứ Kỳ
Rươi Tứ Kỳ nức tiếng thơm ngon

Đến Hải Dương cũng nên nếm món rươi Tứ Kỳ có thể chế biến rất nhiều món như: chả rươi, canh rươi, rươi kho, rươi quấn lá lốt, mắm rươi,…. Chả rươi thì thơm nức mũi với các gia vị như vỏ quýt, gừng, lá hành,… quyện vào với mùi thịt và trứng trộn cùng! Món này chủ yếu có vào tháng 10-12 âm lịch. Nhưng giờ có tủ đông lạnh thì có quanh năm rồi!
Ăn rươi ở Hải Dương cũng khác với món rươi Hà Nội dù cách làm gần như giống nhau. Có thể do đất ruộng rươi nơi đây có nhiều khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu nên chất lượng món ăn và hương vị tạo nên nét đặc trưng riêng.

Khám phá các địa danh nổi tiếng Hải Dương

Hải Dương là vùng đất chỉ có núi và sông nhưng không có biển. Tuy nhiên, bức tranh quê nơi đây mang nhiều hồn sắc của thiên nhiên và con người được đắp bồi bởi thời gian và văn hóa. Hãy cùng tôi khám phá Hải Dương qua những địa danh nổi tiếng ngay nhé!

Đảo Cò: bức tranh thiên nhiên hoang sơ

Tôi được bạn chở đến xã Chi Lăng Nam, cách nhà bạn chừng 25km. Đây là đảo cò tự nhiên với hàng trăm đàn cò trắng. Ngày đầu tuần vắng khách nên thích thú vô cùng! Đất lành chim đậu, và bạn sẽ cảm thấy thư thái hoàn toàn. Tiếng cò vỗ cánh, tiếng kêu gọi nhau, mùi phân hơi tanh nồng, nước hồ màu xanh rêu,… Tin tôi đi, đến đây bạn sẽ thấy mình như được hưởng trọn những gì hoang sơ, là tự nhiên giữa chốn quê thanh bình.

Đảo Cò
Bức tranh thiên nhiên hoang dã tại đảo Cò

Văn Miếu Mao Điền – trường học xưa của nước Việt

Chiều tôi lại lang thang đến Văn Miếu Mao Điền. Mao Điền nằm tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, cách thành phố Hải Dương 15 km về phía tây. Tại miền Bắc Việt Nam, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Văn miếu Mao Điền được lập ra để thờ Khổng Tử và chín bài vị của các danh nhân Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh sỹ Phạm Sư Mạnh, nhà toán học Vũ Hữu, danh y Tuệ Tĩnh, nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta là bà Nguyễn Thị Duệ. Tương truyền, cây gạo cổ thụ bên hồ được trồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801).

Văn Miếu Mao Điền
Thăm Văn Miếu Mao Điền, nhớ các bậc thánh hiền

Hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính là lầu chuông Đồng, trống Đại được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái bằng gỗ lim giản dị mà đẹp mắt. Chuông Đồng nặng hơn một tấn, cao 1,5m. Trống Đại có đường kính miệng 1,5m, dài gần 2m. Hai di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và chiếc khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh đá trải qua năm tháng đã bị mẻ một bên tai nhưng có âm thanh trong trẻo và lạ tai. Đặc biệt hơn, khi đánh ba tiếng liên tiếp thì khánh sẽ phát ra ba âm thanh khác nhau.. Các hạng mục đều được quy hoạch cân đối và đẹp mắt. Trong không gian tĩnh mịch ấy tôi cứ thả hồn vào gió, lững thững những bước chân chậm rãi mà hưởng thụ. Cảm giác thật tuyệt! Nếu giữa hè thì hồ sen kia sẽ rực rỡ lắm! Lá sẽ xanh, hoa sẽ hồng và thơm ngát!


Thăm Côn Sơn – Kiếp Bạc

“Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai / Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm”
Đúng là phong cảnh hữu tình, dễ nảy mầm văn thơ! Nếu đi vào mùa mưa ắt suối kia sẽ đẹp lắm! Nhưng trong con mắt phấn khởi của tôi, Côn Sơn vẫn đẹp rêu phong và trong trẻo.
Đi bộ qua những bậc thang dưới tán thông lên bàn cờ tiên, mồ hôi túa ra khoẻ và sảng khoái! Đứng trên Am Bạch Vân cao bát ngát ngắm nhìn bao quát thấy trân quý cuộc đời.

Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn nằm bình yên dưới tán cây xanh

Chùa Côn Sơn xưa là một công trình kiến trúc hoàn thiện, có 385 pho tượng. 2 pho tượng hộ pháp tại chính điện được người dân làng Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương gửi lên khi chạy giặc và hiện vẫn còn tại chùa, trong tình trạng rất tốt, ít bị hư hại. Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có tự bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, các tăng ni Phật tử dã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi. Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ “Hưng thiên vô cực”, dưới có 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ”.

Núi
Từ trên cao nhìn xuống là một màu xanh mát mẻ, khoáng đạt

Qua cổng lớn, bên trái có một giếng gọi là Giếng Ngọc mắt rồng. Theo con đường đá đi đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ.
Tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Vương, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Hưng Đạo Vương là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Gần đền là Viên Lăng là một quả núi nhỏ cây cối mọc um tùm, một số người cho rằng đây là nơi an táng Trần Hưng Đạo.

Chi phí cho chuyến đi

Vì đi du lịch theo kiểu khám phá, về quê đứa bạn thân nên chuyện ăn ở tôi không phải lo. Việc đó giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn khiến tôi thỏa thuê tận hưởng thời gian ở Hải Dương mà không bận tâm về tài chính.

Vé tàu hai lần là 110k cùng với tiền xăng xe đi lại…tổng cộng chỉ khoảng 300k.

Khám phá Hải Dương theo cách này, quá rẻ mà lại rất thân tình.

Tôi có mua quà gửi biếu bố mẹ của bạn và quà cho cô bạn thân (nhưng không nên tính vào chi phí nhỉ?). Đó là tất cả những gì tôi phải chi tiêu trong chuyến đi này.

Con người Hải Dương thật thà, thân thiện vô ngần! Phố xá Hải Dương không ồn ào và không bụi bặm. Cuộc sống nơi đây cũng thật đáng sống lắm thay!

Khám phá Hải Dương qua “con đường của cái dạ dày” thật sự rất hay ho và thú vị. Ẩm thực nơi đây đậm chất dân dã ngọt ngào mà bạn sẽ không tìm được ở nơi nào của phố thị. 

Chuyến tàu lúc 16h đưa tôi đi về Hà Nội kết thúc chuyến du lịch Hải Dương đủ đầy, đậm vị quê hương. Tôi tạm biệt bạn lên tàu, Hải Dương xa dần… Tôi mang theo mình một chút hương hồn của mảnh đất này.

Có dịp các bạn hãy ghé qua để gặp gỡ con người Hải Dương và thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức các món ăn nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button