10 món ngon đặc sản Sóc Trăng hạ gục tín đồ ẩm thực khó tính
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Đến với Sóc Trăng không chỉ đến thăm những ngôi chùa, những điểm tham quan quen thuộc mà đến với Sóc Trăng còn là đến với vùng đất của giao thoa văn hóa 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa với nền ẩm thực phong phú và đặc biệt. Cùng DulichToday điểm danh 10 món ngon đặc sản Sóc Trăng hạ gục những tín đồ ẩm thực khó tính.
1. Món ngon đặc sản nức tiếng xứ chùa Dơi: bún nước lèo
Nhắc đến ẩm thực Sóc Trăng, nhiều người nghĩ ngay đến món bún nước lèo. Bún nước lèo là món ngon đặc sản Sóc Trăng nức tiếng tại xứ sở chùa Dơi. Không khó để tìm thấy một quán bún nước lèo bởi món ăn này hầu như có mặt khắp mọi nơi trong tỉnh.
Từ những nguyên liệu quen thuộc như mắm, nước dừa, bún, cá lóc, tép, thịt heo quay, ngải bún, rau muống bào, giá đỗ hẹ …nhưng để nấu được một tô bún ngon lại phụ thuộc vào bí quyết riêng của từng người nấu. Bún nước lèo nấu phải sao cho vừa ăn, nêm nếm mắm sao cho đủ vì nếu mặn hóa hay nhạt quá thì đều không ra vị của một tô bún nước lèo ngon.
Người Sóc Trăng ăn bún nước lèo như một thói quen khó từ bỏ. Còn khách du lịch đến đây đa phần vì tò mò. Người đi xa trở về ăn tô bún để tìm lại hương vị quê nhà. Tất cả sức hút đều đến từ hương vị rất riêng của món ăn này.
Ăn bún giữa tiết trời miền Tây hanh hao nắng, húp xì xụp từng muỗng nước lèo đậm vị và nhẩn nha hút sợi bún dài trắng tinh đảm bảo thực khách sẽ mê mẩn cả người. Ăn xong vẫn còn thèm thuồng muốn thưởng thức tiếp. Đi Sóc Trăng nhớ ghé quán bún nước lèo và gọi cho mình một tô bún thật to để thưởng thức món bún trứ danh của xứ chùa Dơi bạn nhé!
- Gợi ý địa điểm ăn: Bún Nước Lèo Cá Đồng Sóc Trắng
- Địa chỉ: 655 QL1A, Phường 2, Tp. Sóc Trăng, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 30.000 vnđ – 40.000 vnđ/ tô
2. Bún gỏi dà : món ngon đặc sản Sóc Trăng lạ tai, lạ vị
Bún gỏi dà là món ngon đặc sản Sóc Trăng nghe lạ tai, ăn lạ vị. Nhiều vị khách đến Sóc Trăng khi nghe lần đầu tiên về món ăn này đều không khỏi tò mò về ý nghĩa của tên gọi bún gỏi dà. Bún gỏi dà – nguyên thủy là một món gỏi cuốn. Để khác lạ người ta gom các thứ: bún, thịt, tép, rau vào chung 1 tô rồi ăn như và cơm. Sau này người ta cho thêm nước sốt vào và trở thành món bún gỏi da như hiện nay.
Bún gỏi dà ở Sóc Trăng ngon nhất phải kể đến bún gỏi dà ở vùng Mỹ Xuyên. Người Sóc Trăng có câu
” Mỹ Xuyên có bún gỏi dà
Dùng qua sẽ thấy đậm đà hương quê”
Để tô bún ngọt, ngon thì tô bún phải có tép, thịt, rau và nước sốt. Tép khi chọn người ta phải chọn con tép lớn (cỡ ngón tay cái), làm sạch nguyên con, rồi đem luộc với nước dừa tươi. Tép phải còn sống thì khi ăn mới không bị tanh và thịt tép sẽ chắc hơn. Thịt heo phải là thịt phần đùi, luộc chín, sắt sợi.
Nước sốt (nước dùng) được hầm bằng xương heo, thêm chút tôm khô cho nước lèo được tròn vị. Nước sốt có đậm đà hay không phải xem người thợ có hào phóng trong cách nêm nếm để người ăn luôn phải vấn vương mỗi khi thưởng thức.
Nước dùng đậm đà được ninh từ xương heo, nước sốt me chua và cả tương hạt xay, tất cả quyện vào nhau mang vị thanh ngọt, chua chua không bao giờ mang lại cảm giác ngán. Bún thường được ăn kèm với giá sống, rau muống bào và xà lách.
Từng sợi bún trắng mềm dai ngập ngụa trong nước dùng màu nâu hòa cùng với thịt tôm béo và thịt heo mặn mặn tạo hương vị lạ miệng, vô cùng hấp dẫn những thực khách phương xa.
- Gợi ý địa điểm ăn: Bún gỏi dà Cô Hằng
- Địa chỉ: 13 Nguyễn Văn Hữu, Phường 1, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 30.000 vnđ – 40.000 vnđ/ tô
3. Cháo cá lóc rau đắng đúng chất miền Tây
Cháo cá lóc rau đắng là món ngon đặc sản Sóc Trăng đúng chất miền Tây gắn liền với người dân địa phương bao đời. Giản dị và mộc mạc như chính tên gọi của mình, rau đắng thường mọc từng đám sau nhà, cạnh bờ ao, bên mép ruộng. Mỗi lần thèm chỉ cần xách rổ đi cách vài bước là có ngay một nồi canh, một nồi cháo cá lóc rau đắng vừa giản dị, vừa dân giã.
Để làm cháo cá lóc ngon cũng không cần chọn cá lóc quá to hay quá nhỏ. Chỉ cần loại cá lóc vừa phải tầm 600 gr là chắc thịt. Nhiều người thắc mắc tại sao lại là cháo cá lóc rau đắng mà không phải cháo cá rô hay cháo cá trê. Bởi lẽ chỉ có thịt cá lóc mới vừa chắc vừa thơm. Nấu cháo cá rô cũng được nhưng cá rô rất nhiều xương nên tốn công sức hơn nhiều còn cá trê thì thịt bở, ít người nấu cháo cá trê.
Sự kỳ công trong món cháo cá lóc còn nằm ở khâu chọn nước nấu. Không được dùng nước máy có lẫn mùi clo, người nấu cần kỹ lưỡng dùng nước lọc thì nước cháo mới có vị ngon. Trong nồi cháo có thể thêm thịt heo xay, nấm rơm, tôm khô,… tùy ý để tăng vị ngọt cho nước cháo.
Và rồi những gì tinh túy, thơm béo nhất của món ngon này sẽ đến với đầu lưỡi bạn khi thưởng thức nó. Cháo nóng bốc khói khiến lòng cũng ấm áp theo. Cho một muỗng cháo vào miệng xem nào! Hơi nóng lan nhanh khắp tất cả các giác quan, hạt gạo chín mềm tan ra cùng vị ngọt đậm đà của nước cháo cá có chút tương hột ngon. Muốn tăng “cấp độ đắng”, ở các quán của miền Tây, các bạn có thể gọi chủ quán cho thêm phần rau đắng đất cho đúng chất “dân chơi”!
- Gợi ý địa điểm ăn: Cháo cá lóc Phú Lợi
- Địa chỉ: 2 Phú Lợi, Khóm 2, P. 2, Tp. Sóc Trăng, Sóc Trăng
- Giá tham khảo: 25.000 vnđ – 45.000 vnđ/ tô
4. Bún vịt nấu tiêu (Bún tiêu vịt) – món ngon buổi sáng
Bún vịt nấu tiêu hay còn được gọi là bún tiêu vịt là món ngon đặc sản Sóc Trăng được người dân vô cùng ưa thích vào hàng sáng. Để có nồi bún tiêu ngon, người ta lựa những con vịt mập, bư, mỡ làm lấy thịt thì nước lèo mới có độ ngon và ngậy. Sau khi vịt được làm sạch, người ta bắt đầu ướp thịt vịt, lòng vịt với tiêu xanh đập dập và đem ướp trong nhiều giờ cùng một số gia vị cần thiết. Thịt vịt và lòng vịt chín mềm sẽ đem cho được nồi nước lèo như ý.
Gia vị ướp thịt gồm tiêu hột, tỏi, hành, muối, đường, bột ngọt cùng hạt điều phi vàng. Thịt ướp phải được trộn đều để cho thấm rồi cho vào nồi để lửa riu riu. Vịt tơ thì chỉ cần 2 h hầm còn vịt đẻ thì thịt dai hơn nên phải hầm tới 3h.
Nguyên liệu chủ yếu để nấu món này là hồ tiêu để tạo vị cay. Nước lèo được nấu bằng xương và nước dừa tươi để tạo vị ngọt. Độ ngọt của nước lèo không phải là ngọt từ đường hay bột ngọt mà độ ngọt được tạo từ nước hầm xương và nước dừa. Cay ở đây không phải độ cay theo kiểu của ớt khô nên thực khách không thể nhầm lẫn với các món bún khác.
Tô bún ngon nào là sợi bún trắng phau, trên là miếng thịt đùi lấp lánh cùng với tiết vịt và vài ngọt rau húng quế điểm xuyết. Rau ghém dùng ăn kèm không thể thiếu trong món này gồm: giá đỗ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế,…
Nước chấm cũng phải dùng đúng điệu thì món ăn càng trở nên hấp dẫn hơn. Thường người ta sắt mỏng củ hành tím để chung với nước mắm chua ngọt và có thể thêm một ít ớt bầm, để tạo vị giác cay hơn.
Bún vịt nấu tiêu được bán nhiều nơi trong tỉnh Sóc Trăng. Tại thành phố Sóc Trăng quý khách có thể dùng món này tại quán ngay góc đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Văn Cừ, một số quán trên tuyến đường Lê Hồng Phong và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,…
- Gợi ý địa điểm ăn: Bún vịt nấu tiêu
- Địa chỉ: 62 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 1, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 30.000 vnđ – 40.000 vnđ/ tô
5. Bánh cóng (bánh Cống) đặc sản của đồng bào Khmer
Ở Sóc Trăng không chỉ có món bánh Pía là loại bánh nổi tiếng mà ở đây còn có loại bánh Cóng thơm ngon đặc biệt. Món ngon đặc sản Sóc Trăng bánh cóng ngon nhất phải nói đến bánh cóng được làm ở Đại Tâm của huyện Mỹ Xuyên. Bánh cóng cũng là đặc sản của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng.
Để làm nêm một chiếc bánh cóng ngon thì các nguyên liệu cũng phải được chọn lựa một cách kỹ lưỡng. Gạo được chọn phải là loại gạo ngon, xay thành bột nước cho thêm chút đường, muối để vỏ bánh được đậm đà. Nhân bánh không thể thiếu tôm tươi, đậu xanh nguyên hạt được luộc chín, thịt heo băm nhuyễn với hành tím (loại nông sản được trồng nhiều ở Sóc Trăng). Tất cả làm nên hương vị thơm ngon của bán cóng Đại Tâm.
Mỗi người thợ làm bánh đều có một công thức pha bột hoàn toàn khác nhau. Công thức pha bột gia truyền với một tỷ lệ đường, bột, nước nhất định để bánh chiên lên vỏ bánh giòn, xốp mà vẫn giữ được độ mềm mịn, ẩm của nhân bánh. Từng chiếc bánh vàng ruộm được kẹp đều trong rau sống gồm xà lách, rau thơm, nhíp cá, tía tô… và chấm trong chén nước mắm cà rốt chua ngọt tạo nên món ăn khó cưỡng và đậm đà hương vị vùng quê sông nước.
Theo đánh giá của người dân Sóc Trăng, tiệm bánh ngon thường bán dọc theo quốc lộ 1A từ cầu Bưng Cốc đến chợ Đại Tâm ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.
- Gợi ý địa điểm ăn: Bánh Cóng Đại Tâm
- Địa chỉ: Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 10.000 vnđ/ cái
6. Cá bống sao ngon nhất xứ cù lao Dung
Dân sành điệu về ẩm thực coi cá bống sao là đặc sản của cù lao Dung. Món cá bống sao tuy là cá của người nghèo nhưng là món ngon “tuyệt chiêu” mà ai đến đây một lần cũng muốn tận hưởng. Đây cũng là món ngon đặc sản Sóc Trăng được người dân địa phương vô cùng ưa thích.
“Ví dầu cá bống kho tiêu,
Kho tiêu bỏ mỡ bỏ hành,
Bỏ ba lượng thịt để dành cho anh ăn”…
Cá bốn sao mình tròn và dài như cá bống dừa, đầu to như thòi lòi nhưn mình thì nhỏ hơn. Vảy bống sao có nhiều đốm trắng li ti giống như những chòm sao. Vì thế cái tên cá bống sao được gọi từ lý do này.
Cá bống sao chỉ sống ở vùng nước lợ, trên các bãi bồi ven biển, cửa biển, nhiều nhất là khu Đất Mũi Cà Mau và Cù lao Dung Sóc Trăng. Cá bống sao cũng không có nhiều nên khi đánh bắt được, người ta cũng chỉ bán cho người dân địa phương. Thành ra người thành phố ít ai được thưởng thức món ăn này.
Cá bống sao thịt màu hồng, săn chắc. Nếu mổ ruột sẽ thấy lá gan to màu hồng, khi nấu chín có vị béo, bùi và nhân nhẩn đắng do mật tiết ra. Cá bống sao ngon nhất là kho với sả ớt.
Sau khi ướp xong nước mắm, đường, tỏi, sả, ớt cho thấm đều rồi bắt lên bếp cho lửa cháy riu riu. Khi cá sôi vài dạo mới cho thêm mỡ hành vào. Lúc ấy, mùi thơm sẽ tỏa ra ngào ngạt. Chính vị ngọt của cá hòa cùng với mùi cay cay của sả ớt đã làm cho món cá bốc lên mùi thơm lựng khiến ai nấy cũng cảm thấy đói, bụng cồn cào muốn ăn.
Còn đối với món canh chua nấu bần thì hết chỗ chê. Ai đã thưởng thức một lần khó mà quên được cái hương vị chua thanh, dìu dịu, cay cay, thơm mát của thứ nước đậm đà được chắct lọc từ cá, tinh hoa của nước và bần chua tạo thành. một món đặc sản quê khó quên.
- Gợi ý địa điểm ăn: Cá bống sao
- Địa chỉ: Cù lao Dung, Sóc Trăng
7. Hủ tiếu cà ri vàng ươm bắt mắt
Hủ tiếu cà ri không khác bún cà ri là mấy cả về màu sắc lẫn hương vị, có chăng chỉ khác biệt phần bún và phần hủ tiếu cho vào cùng nước lèo. Hủ tiếu cà ri là món ngon đặc sản Sóc Trăng được người dân xứ hành tím ưa chuộng.
Về màu sắc, nước cà ri ở đây cũng như những nơi khác, vẫn có màu vàng nghệ, lác đác vài lá cà ri tươi nhưng hương vị thì khác. Nước cà ri ở đây có mùi thơm dịu chứ không nồng, ăn vào có vị thơm, không quá béo. Mọi gia vị đều được người bán nêm nếm vừa phải nên ăn đậm đà mà không ngán.
Hủ tíu ở đây cũng là một đặc sản nổi tiếng cả vùng. Được làm từ bột gạo, cọng nhỏ, hủ tíu có độ dai vừa phải, hơi mềm, ăn vào có vị ngọt, hơi thơm, do chính người dân xứ này chế biến.
Hủ tíu cà ri ở đây được nấu với thịt heo. Thức chấm vẫn là muối tiêu chanh và ăn kèm cùng giá sống, rau thơm. Nhìn tô cà ri vàng ươm đang bốc khói, đưa mùi thơm nhẹ len vào mũi, lùa vài ba miếng ngon không chê vào đâu được.
- Gợi ý địa điểm ăn: Chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng
- Địa chỉ: Mạc Đĩnh Chi, Phường 4, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 10.000 vnđ – 20.000 vnđ/ tô
8. Mỳ sụa lạ miệng mà không ngấy
Mì Sụa có nguồn gốc là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa từ xưa đến nay. Đây cũng là món ngon đặc sản Sóc Trăng được du khách ưa thích bởi hương vị thơm lạ miệng mà không ngấy.
Mỳ sụa được chế biến từ đậu nành mới có được độ dai và mềm phù hợp. Ở Sóc Trăng mỳ sụa có cả hai loại là mỳ ngọt và mỳ mặn. Với mỳ mặn thì người ta thường xào chung với hải sản, thịt heo, nấm, thịt gà và chan cùng với nước tương. Loại mỳsụa ngọt thường được dân ở Sóc Trăng nấu chè với trứng gà luộc. Cả 2 loại mỳ ngọt và mỳ mặn đều đem đến cảm giác lạ miệng mà không ngấy.
Sợi mỳ sụa rất dài nên mỳ sụa cũng có tên là mỳ trường thọ. Bạn có thể nghe thấy cái tên này qua các bộ phim Trung Quốc. Người Sóc Trăng thường dùng mỳ sụa ngọt cắt khúc nấu chè với trứng gà trong các dịp mừng thọ, sinh nhật, thượng thọ, khai trương… lấy màu đỏ cam của lòng trứng gà làm màu may mắn.
Có nhiều cách nấu mỳ sụa, nhưng ngon nhứt vẫn là xào. Mỳ được trụng sơ qua nước nóng rồi đổ ra rổ cho ráo nước. Các loại rau như cải rổ, cải ngọt, cải xanh, nấm, thịt heo xắt miếng vừa ăn, hay hải sản (mực, tôm), lòng gà, lòng vịt, lòng heo… xào vừa chín tới thì đổ mỳ vô xào chung. Nêm thêm gia vị như nước mắm, giấm, ớt… tùy theo khẩu vị người ăn. Ghé Sóc Trăng ăn tô mỳ sụa thơm ngon hết ý.
- Gợi ý địa điểm ăn: Tiệm mỳ Kim Thúy
- Địa chỉ: 02A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 1, tỉnh Sóc Trăng
- Giá tham khảo: 30.000 vnđ – 40.000 vnđ/ tô
9. Chè Ỷ – món ngon đặc sản Sóc Trăng của người Hoa
Ỷ là viên bột tròn màu trắng đục được làm từ tinh bột khoai lang. Chè ỷ là món ngon đặc sản Sóc Trăng của người Hoa cư ngụ tại đây. Làm ỷ khá công phu và tỷ mỷ. Trước hết phải chọn khoai lang trắng, củ to. Xay nhuyễn khoai lang thành tinh bột. Người ta ngâm nước vài ngày cho tinh bột lắng xuống. Chắt bỏ nước và đem tinh bột lắng dưới đáy ra phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày. Sau đó cho tinh bột vào thau và bắt đầu quay để vo viên.
Tay nghề lâu năm của người làm ỷ quyết định đến việc bột có vo thành viên hay không là ở công đoạn này. Người ta dùng ttay qyay bột trong thau theo một chiều nhất định. Bột khô thì rắc thêm chút nước vào cho hơi ẩm. Mỗi lần quay phải mất cả vài giờ đồng hồ mới được một mẻ. Để làm ỷ có màu đỏ, người ta pha màu vào bột.
Nấu ỷ Sóc Trăng hoàn toàn khác so với nấu bột báng (bánh trôi). Bột báng ngâm nở trước rồi mới nấu còn nấu ỷ nước phải thật sôi thì mới bỏ ỷ vào. Nếu nước nguôi hoặc sôi chưa già thì viên ỷ sẽ rã ra thành bột. Trước khi nấu ỷ có màu trắng đục còn khi nấu thì ỷ có màu trắng trong.
Khi nấu ỷ người ta thường cho cả ki chứa (khoai rừng) có tác dụng giải nhiệt. Ki chứa giòn giòn tương phản với miếng chè ỷ dai dai, mềm mại. Trong người đang nóng bức ăn chén chè ỷ vào là mát mẻ ngay.
Vào những ngày rằm, tết trung thu, tết Nguyên Đán, người Hoa thường nấu chè ỷ để cúng ông bà tổ tiên rồi cùn nhau ăn với ý nghĩa đoàn viên, may mắn. Vào ngày cưới thì cô dâu chú rể cũng được ăn chè ỷ với mong muốn có một hạnh phúc trọn vẹn. Đến Sóc Trăng đừng quên gọi một chén chè ỷ để xóa tan đi cái nóng bức của ngày hè và thưởng thức những viên ỷ mát lành nhé!
- Gợi ý địa điểm ăn: Chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng
- Địa chỉ: Mạc Đĩnh Chi, Phường 4, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 10.000 vnđ – 20.000 vnđ/ tô
10. Thơm lừng bò nướng ngói Sóc Trăng
Có tên là bò nướng ngói vì đơn giản đây là món bò được nướng trên một tấm ngói. Bò nướng ngói là món ngon đặc sản Sóc Trăng có hương vị thơm ngon hấp dẫn.
Trước đây bò được nướng bằng miếng ngói cong cong làm từ đất sét nung. Tuy nhiên do tính chất của ngói khôn được bền (thường chỉ dùng từ 2 – 3 lần là miếng ngói sẽ bị nứt vỡ) vì thế mà nay các quán bò nướng ngói thay thế bằng miếng kiêm loại bằng inox như cái xẻn trắng sáng. Vì thế có người còn gọi món ăn này là bò nướng xẻng.
Lò than đỏ lửa bên cạnh là những tấm inox sạch sẽ, sáng bóng dùng để nướng bò. Xung quanh lò nào là dĩa thịt bò tươi được ướp săn gia vị, rau sống, dưa leo, khế chua, chuốt chát, bánh tráng,bún…Người ta bao giờ cũng để một chén dầu ăn đùng để rưới lên thịt bò trong khi nướng để thịt không bị cháy.
Điểm đặc biệt là ở chén nước chấm. Nước chấm làm từ nguyên liệu chính là mắm nêm pha cùng với dứa tươi đem được độ thơm của món nước chấm. Thịt bò được nướng vàng ươm, cuộn bánh tráng đã lót sẵn rau sống, khế chua, chuối, dưa, dứa, bún…Cách ăn khá giống với ăn nem lụi ở Hà Nội. Vị thịt nóng, thơm, nước mắm cay nồng cùng với vị tươi của rau dưa các loại khiến món ăn trở nên tròn vị
- Gợi ý địa điểm ăn: Bò nướng ngói 25
- Địa chỉ:25 Lý Tự Trọng, Phường 2, Sóc Trăng
- Hướng dẫn chỉ đường
- Giá tham khảo: 100.000 vnđ – 150.000 vnđ
10 món ngon đặc sản Sóc Trăng mà DulichToday giới thiệu trên đây đủ sức níu chân bạn ở chẳng muốn về hay chưa? Ghé Sóc Trăng hãy để bụng no căng bằng những món ăn ngon hấp dẫn, tuyệt vời này nhé.
One Comment