Xu hướng du lịch 2023

Du lịch tháng 4 nên đi đâu? Đừng bỏ lỡ những trải nghiệm tâm linh! (Phần 1)

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Tháng 4 đang tới gần và được xem là thời điểm thích hợp cho những chuyến du lịch, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Vậy du lịch tháng 4 nên đi đâu? Dưới đây là một số gợi ý cho những ai yêu thích du lịch trải nghiệm, về nguồn.

1. Ý nghĩa của du lịch trải nghiệm, văn hóa tâm linh

Khi cuộc sống hiện đại ngày càng hối hả, bận rộn thì nhu cầu tìm lại sự cân bằng, thư giãn cho tâm hồn ngày càng trở nên phổ biến.

Đặc biệt, phía Bắc là nơi cội nguồn của nền văn minh lúa nước với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời từ những ngày khai hoang, mở cõi. Nơi đây có biết bao loại hình văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo cùng tụ hội: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tín ngưỡng thờ Mẫu… với hàng loạt các di tích, đền, đình, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và các loại hình nghệ thuật: Hát xoan, ca trù, quan họ… được UNESCO vinh danh. Vì vậy, khi nhắc đến những địa danh như: Phú Thọ, Ninh Bình… thì du lịch văn hóa, tâm linh là loại hình du lịch không thể thiếu mang lại nhiều trải nghiệm ý nghĩa không chỉ cho du khách mà còn đem lại nhiều nguồn lợi cho cộng đồng.

Lễ hội mùa xuân

 

Ninh Bình – một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua tại Việt Nam

  • Nâng cao nhận thức về văn hóa, tín ngưỡng dân tộc: Với mỗi chuyến đi, du khách sẽ hiểu và yêu thêm
  • kho tàng văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.
  • Kết hợp du lịch, thăm thú nhiều cảnh đẹp, hành hương và lễ bái: Không chỉ giàu có về văn hóa mà Việt Nam còn là quốc gia có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, du khách có thể kết hợp những chuyến du lịch tâm linh để tham quan, khám phá nhiều cảnh đẹp.
  • Du lịch trải nghiệm gắn với tính phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bản địa: Du lịch phát triển bền vững đem lại nguồn thu cho cộng đồng địa phương, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
  • Phát huy giá trị, tinh thần yêu nước: Với hơn 2000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi con người Việt Nam luôn tự hào gốc tích “con rồng, cháu tiên”, du lịch văn hóa tâm linh mang con người ta trở về với nguồn cội để tưởng nhớ công lao của bao thế hệ đi trước, thêm yêu truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam.

2. Du lịch Phú Thọ: Tưởng nhớ nguồn cội – đắp bồi tình yêu

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng Ba”.

Câu ca ấy đã in đậm, ghi sâu trong tâm thức mỗi người con đất Việt, như nhắc nhở các thế hệ cháu con Lạc Hồng nhớ về nguồn cội, hành hương về miền đất Tổ để tri ân công đức tổ tiên. Qua miền văn hóa hành trình đi du lịch tháng 4 về thăm Phú Thọ là về với mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với  hàng ngàn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp của 18 đời vua Hùng. Đây là nơi được UNESCO vinh danh với 2 danh hiệu: Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

2.1. Giỗ tổ Hùng Vương – Hành trình về nguồn

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nước Văn Lang.

Đền Hùng

Đền Hùng – Cội nguồn dân tộc Việt Nam

Tương truyền vua Hùng đã đi khắp mọi miền, về đây chọn làm đất đóng đô. Nơi này ở phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu, có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu do phù sa của ba con sông bồi đắp, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa thuận lợi cho việc phòng thủ hay rút lui khi xảy ra các cuộc xung đột bộ lạc. Theo sử cũ, sau khi định đô ở Phong Châu, các vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi tế trời đất, chủ thần và tiên tổ.

Lễ hội đền Hùng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, đây là ngày mọi trái tim khắp mọi miền tổ quốc đều hướng về vùng đất Tổ. Vậy hành trình đi đền Hùng như thế nào? Để có một chuyến đi du lịch tháng 4 trọn vẹn nhất hãy nắm vững những kinh nghiệm dưới đây nhé!

Cách di chuyển từ Hà Nội – Đền Hùng

Đền Hùng cách trung tâm Hà Nội khoảng 90km nên rất thuận lợi di chuyển bằng xe máy, ô tô hay tàu hỏa.

  • Nếu đi ô tô, bạn có thể chọn tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, xuống trạm thu phí IC7 – thành phố Việt Trì, sau đó chạy thẳng ra đền Hùng. Đây là cách di chuyển nhanh nhất đến đền Hùng
  • Nếu đi xe máy, bạn có thể lựa chọn tuyến đường quốc lộ 2 qua Việt Trì đến đền Hùng hoặc quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà – Tam Nông – Lâm Thao đến đền Hùng
  • Nếu đi xe khách, bạn lựa chọn các tuyến Hà Nội – Phú Thọ theo tuyến đường chính là Quốc lộ 2A tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm…
  • Nếu bạn có kinh phí cao hơn và trải nghiệm phương tiện chất lượng cao, có thể lựa chọn hãng xe Limousine Việt Trì của Mekong hoặc Nam Cường sẽ đưa bạn tới thẳng đền Hùng.
  • Một lựa chọn nữa dành cho bạn tới đền Hùng là bằng tàu hỏa, hãy lên tàu tới ga Tiên Kiên, Phú Thọ. Sau đó đi xe ôm hoặc taxi thêm 3km nữa là đến đền Hùng.

Hành trình đi lễ các đền tại đền Hùng

Toàn bộ Khu di tích đền Hùng có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

Bạn có thể di chuyển lần lượt từ đền Hạ – nhà bia – chùa Thiên Quang – đền Trung – đền Thượng – cột đá thề. Sau đó đi xuống theo hướng Lăng Hùng Vương và kết thúc ở Đền Giếng.

Cổng đền Hùng

Cổng đền Hùng

  • Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con.
  • Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ, bên trong đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 9 năm 1954.
  • Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ.
  • Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước, cũng chính nơi đây Hùng Vương VI đã nhường ngôi cho Lang Liêu.
  • Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triệu tổ” (tổ tiên của Việt Nam).
  • Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương.
  • Lăng Hùng Vương (Hùng Vương lăng) tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại.
  • Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18.

Trang phục, cách mua đồ lễ

Có rất nhiều bạn thắc mắc nên dâng lễ gì khi đến đền Hùng? Câu trả lời tốt nhất là bạn nên dâng 2 loại bánh trong truyền thuyết là bánh chưng và bánh dày. Ngoài ra, bạn cũng có thể dâng lễ mặn xôi gà hay hoa quả đều được.

Với trang phục đi lễ thì bạn nên mặc quần áo dài phù hợp, đặc biệt do hành trình đi bộ và leo nhiều nên bạn có thể đi giày thể thao hoặc giày bệt để tránh đau chân, trơn trượt. Chú ý không mặc quần áo ngắn, váy ngắn khi hành lễ.

Lễ hội đền Hùng

Lễ hội đền Hùng kéo dài từ ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 10 là chính hội. Cũng như mọi lễ hội khác, lễ hội đền Hùng có 2 phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ được cử hành trang trọng mang tính quốc lễ. Sau phần lễ là phần hội, thường tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh.

Trong hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ có tiến hành nghi lễ hát thờ (hát Xoan), hát ca trù và các trò chơi dân gian như đu tiên, đánh cờ người, tổ tôm, hát giao duyên.

Lễ hội Đền Hùng

Lễ hội đền Hùng là lễ hội lớn của dân tộc

Lễ hội đền Hùng là phong tục đẹp trong truyền thống người dân đất Việt. Từ rất lâu, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, hội đền Hùng là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng bao thế hệ cháu con người Việt.

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ

Sau khi tham quan và khám phá quần thể di tích đền Hùng, bạn cũng có thể đến hành hương đến điểm du lịch tâm linh quan trọng thứ 2 ở Phú Thọ là đền Tổ Mẫu Âu Cơ.

Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Ốc Sơn (núi Vặn), thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có độ cao 170,2m so với mặt biển, nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn.

Đền Mẫu Âu Cơ

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Ốc Sơn

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là một công trình văn hoá lớn của thời đại con cháu các vua Hùng xây dựng nên, nhằm mục đích “quy tụ” và “hội tụ” văn hoá “Đền Hùng”. Bổ sung cho quần thể kiến trúc tín ngưỡng trong Di tích lịch sử Đền Hùng, thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Tổ Mẫu Âu Cơ người mẹ thiêng liêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

2.2. Khám phá ẩm thực địa phương

Mảnh đất thiêng Phú Thọ – cội nguồn dân tộc, nằm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi, với địa hình chủ yếu là đồi núi và trung du, nơi gặp gỡ của 3 con sông lớn: Sông Hồng, sông Lô và sông Đà tạo thành ngã ba Bạch Hạc. Chính vì vậy, đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều đặc sản hấp dẫn, ai lỡ nếm một lần đều bâng khuâng nhớ mãi.

  • Bánh Chưng: Không thể không nhắc đến khi tới Phú Thọ, đây là nơi nguồn cội của sự tích bánh Chưng – bánh Dày: sản vật dâng lên vua cha của Lang Liêu. Cho đến nay, bánh Chưng vẫn không thể thiếu trong đời sống người Việt, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn của dân tộc như Tết Nguyên đán.

du lịch thang tu nen di dau 1 5

Bánh Chưng – loại bánh gắn cổ truyền của người Việt

  • Thịt chua: Thịt chua là món đặc sản của người Mường ở Thanh Sơn. Thịt để làm món này là loại lợn lửng nuôi tự nhiên, quanh năm ăn rau củ và trái cây rừng. Nếu ai đã từng thưởng thức chắc chắn không quên hương vị thơm ngon của nó.
  • Cọ ỏm: Phù Ninh là vùng quê nổi tiếng với cây cọ, cọ có thể chế biến thành nhiều món: cọ ỏm, cơm nắm lá cọ, xôi cọ… vừa ngậy vừa thơm đặc biệt hấp dẫn.
  • Lá sắn muối chua: Món ăn này được lấy từ ngọn của cây sắn xanh mướt. Lá sắn muối kho cùng tép tạo nên một hương vị riêng biệt, ngậy ngậy, bùi bùi.

Rau sắn muối chua

Canh cá nấu lá sắn muối chua

  • Bưởi Đoan Hùng: Bưởi Đoan Hùng từ lâu đã nổi tiếng là loại bưởi ngon, tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm khiến bao du khách không quên.

2.3. Trải nghiệm văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên Phú Thọ

Địa điểm du lịch tháng 4 tại Phú Thọ không chỉ hành hương về miền đất Tổ mà du khách còn có thể trải nghiệm, khám phá những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng không gian văn hóa truyền thống không thể bỏ lỡ nơi đây:

  • Làng cổ Sơn Vi – Lâm Thao: Sơn Vi là ngôi làng cổ thuộc huyện Lâm Thao – Phú Thọ. Tục gọi làng này là làng Kẻ Vầy với quá khứ xa xưa ngàn vạn năm – nơi sản sinh ra các vị anh hùng dân tộc thời vua Hùng. Nghề đan ấm ủ truyền thống mà ít nơi còn tồn tại vẫn còn được gìn giữ tại Sơn Vi. Tới đây, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống và làm nghề cùng người dân địa phương.

Làng Sơn Vi

Làng Sơn Vi

  • Đình Hùng Lô, đình Lâu Thượng: đây là 2 ngôi đình cổ có từ thời Hùng Vương (ngày nay thuộc TP.Việt Trì) còn lưu giữ nhiều giá trị to lớn về nghệ thuật kiến trúc và văn hóa. Nơi đây, được coi như bảo tàng thu nhỏ được giữ nguyên khuôn viên và các công trình cổ với nhiều hiện vật quý giá thời Hậu Lê.

Đình Hùng Lô

Đình cổ hơn 300 năm

  • Khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Thủy: Đây là một trong những khu du lịch có nguồn suối khoáng nóng tự nhiên. Đến đây, bạn sẽ được ngâm mình trong những bồn nước khoáng nóng tự nhiên từ trong lòng đất và tận hưởng những giây phút thư thái, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên trong lành.

Suối khoáng nóng Thanh Thủy

Suối khoáng nóng Thanh Thủy

Địa chỉ lưu trú tốt ở Phú Thọ

Bạn có thể tham khảo một số khách sạn ở TP. Việt Trì với giá phòng dao động từ 300.000-2.000.000đ/đêm. Trước khi đi bạn nên sắp xếp lịch trình và đặt phòng trước sẽ thuận tiện hơn cho chuyến du lịch của bạn.

Khách sạn Giá tham khảo Điểm nổi bật Địa chỉ
Lâm Anh 350.000đ/phòng/đêm Khách sạn nằm tại trung tâm TP.Việt Trì, mới đi vào hoạt động với trang thiết bị, tiện nghi hiện đại. Từ khách sạn thuận tiện di chuyển tới các điểm du lịch tại Phú Thọ Lô 398, đường Quang Trung, khu đô thị Hòa Phong kéo dài, Phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

LIÊN HỆ ĐẶT PHÒNG

Việt Trì Garden 800.000đ/phòng/đêm Khách sạn Việt Trì Garden tọa lạc ngay trên con đường Nguyễn Tất Thành hướng thẳng vào trung tâm hành chính của tỉnh. Đối diện là công viên văn Lang, khách sạn Việt Trì nhìn ra một không gian mở và xanh mát, tạo cho du khách một cảm giác thật thoải mái và yên bình. 368 Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Thành Phố Việt Trì, Phú Thọ

LIÊN HỆ ĐẶT PHÒNG

Mường Thanh 1.400.000đ/phòng/đêm Tọa lạc trên đại lộ Hùng Vương, trung tâm TP. Việt Trì. Khách sạn tiêu chuẩn 5 sao theo lối kiến trúc sang trọng, hiện đại, dịch vụ và tiện nghi đáp ứng yêu cầu cao của quý khách. Lô CC17, Quảng trường Hùng Vương, Phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ

LIÊN HỆ ĐẶT PHÒNG

 

Sài Gòn – Phú Thọ 2.000.000đ/phòng/đêm Khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ tọa lạc tại trung tâm TP. Việt Trì được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao với 110 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn quốc tế được trang bị tiện nghi đầy đủ, dịch vụ cao cấp 17A Trần Phú, Phường Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ, Việt Nam

LIÊN HỆ ĐẶT PHÒNG

 

Phú Thọ – vùng đất trung du hội tụ đầy đủ yếu tố lịch sử, văn hóa và trải nghiệm danh lam thắng cảnh tự nhiên. Nơi đây luôn luôn hấp dẫn du khách bởi lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều món ăn ngon, nhiều vùng cảnh đẹp…Thêm vào đó, qua mỗi chuyến đi, du khách còn được đắp bồi thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc và rất nhiều hiểu viết về truyền thống, lịch sử.

Tháng 4 nên đi đâu? Hãy đến Phú Thọ để hòa mình vào lễ hội lớn nhất trong năm, tắm suối khoáng nóng, ăn thịt chua, canh cá nấu rau sắn, thăm làng cổ và những di tích xưa. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ trong đời.

  Du lịch tháng 4: đừng bỏ lỡ những trải nghiệm tâm linh (Phần 2)
5/5 - (2 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button