Mở cửa miễn phí lễ hội chọi trâu Hải Lựu trong 2 ngày 20-21/2
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng tức ngày 20-21/2, tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam. Đến nay, lễ hội đã được hoàn tất khâu chuẩn bị một cách cẩn thận, chu đáo. Du khách được vào lễ hội tự do.
Về quy mô lễ hội, năm 2019 có tổng số 32 trâu chọi (16 cặp đấu), trâu được giao cho mỗi thôn 1 con và một số dòng họ lớn trong xã. Mỗi cặp trâu vào sân đấu chọi luôn có các thợ huấn luyện giám sát, kịp thời can thiệp khi cần. Một số cặp trâu lười chọi, người huấn luyện phải sử dụng biên pháp “ép trạc” để kích thích trâu chọi. Tất cả trâu sau khi thi đấu dù thắng hay thua đều được mang đi giết thịt để bán phục vụ du khách.
Với số lượng cặp đấu nhiều như vậy, ban tổ chức đã thắt chặt an toàn, an ninh cho lễ hội 2019. Hàng rào, cổng vào sới chọi được xây dựng kiên cố đảm bảo tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Khu giết mổ, bán thịt trâu được xây riêng biệt, niêm yết giá công khai. Các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc đều được xử lý nghiêm khắc.
Tương truyền, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nước Nam Việt tan rã, thừa tướng là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) để ẩn náu, đồng thời chiêu mộ dân binh tiếp tục kháng giặc, mưu đồ phục quốc. Sau mỗi trận thắng , Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Trâu sau khi chọi (cả chiến thắng và chiến bại) đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu lập đền thờ để tưởng nhớ, suy tôn ông là Thành Hoàng làng, lễ hội chọi trâu từ đó trở thành một nét đẹp của người dân nơi đây.
Mục đích của tổ chức lễ hội chọi trâu Hải Lựu nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân…
Lễ hội chọi trâu Hải Lưu hứa hẹn sẽ thu hút được hàng nghìn du khách thập phương về tham dự.