Du lịch Sa Đéc, Sài Gòn, Cần Thơ qua đôi mắt NGƯỜI TÌNH
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Việt Nam – qua con mắt của bạn bè quốc tế ra sao? Tình yêu dành cho Việt Nam từ người nước ngoài được thể hiện thế nào? Hãy cùng du lịch Sa Đéc, Sài Gòn, Cần Thơ qua phim Người Tình để yêu thiết tha đất nước nhỏ bé, xinh đẹp của mình. Và nếu có thể, hãy dắt tay “người tình bé nhỏ” của bạn đi hết thanh xuân trên dải đất chữ S đẹp tươi này nhé!
Năm 1984, Marguerite Duras xuất bản tiểu thuyết Người Tình dựa trên câu chuyện có thật trong cuộc đời bà. Nhanh chóng, cuốn sách được dịch ra 40 thứ tiếng.
“Tác phẩm kể về mối tình lãng mạn và phức tạp của một thiếu nữ mới lớn của một gia đình Pháp đang gặp khó khăn về tài chính với một người đàn ông gốc Hoa giàu có.”
Năm 1992, bộ phim Người Tình ra đời với bối cảnh xinh đẹp tại Việt Nam
…Tiếng vang này đã làm nên một hình ảnh đất nước Việt Nam nên thơ, trữ tình với những khung cảnh thật lãng mạn của thời thanh xuân: một Sa-Đéc lầy lội nhưng tươi đẹp và uẩn ức, một Sài Gòn chen chúc nhộn nhạo phố chợ nhưng cũng đầy men tình; và, còn đâu đó cả một Cần Thơ in bóng đậm sâu trong những thước phim nóng bỏng của đạo diễn Jean-Jacques Annaud.
Du lịch Sa Đéc – thăm nhà của Người Tình
“Chợ và phố ở ven sông liên tiếp với nhau dài đến năm dặm, dưới sông là trúc gác lên (nhà bè trên tre) cửa nhà la liệt thành hàng hoặc mua bán tơ lụa và đồ dùng, hoặc mua bán dầu trám, dầu rái, nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền, than gỗ chủ yếu làm nghề gốm thô, gạch ngói, mây tre, muối mắm, trên bờ và giữa sông hàng hóa san sát thật là nơi phồn hoa”. Đó là những mô tả đầy thịnh vượng và trù phú về Sa Đéc – Đồng Tháp.
Mở đầu bộ phim là hình ảnh người con gái mặc mười lăm tuổi rưỡi mặc chiếc váy linen và đi đôi giày đã sờn mũi, xuất hiện trên chuyến phà nối Vĩnh Long và Sa Đéc. Hình ảnh bao la, trù phú hiện ra ngay cảnh quay đầu tiên về Việt Nam. Con sông Cửu Long mênh mông ghe tàu, những bờ cồn xanh ngắt màu của cây trái. Người ta buôn bán trên sông, gồng gánh trên sông – tạo nên nhịp điệu cuộc sống tấp nập của nơi đây.
Đến bây giờ, Sa Đéc vẫn còn là một vùng đồng bằng mênh mông, chỉ chắc rằng đã phát triển và đông vui hơn hồi đó. Một miền Tây “lầy lội và lúa bao la” hiện ra đầy khoáng đạt và thân quen.
Ngôi nhà cổ ở số 255A đường Nguyễn Huệ, ngay sát chợ trung tâm, chính là ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê – gắn liền một tình yêu không biên giới của chàng trai gốc Hoa giàu có và cô gái người Pháp M. Duras – cũng chính là nhà văn viết nên thiên tình sử này.
Nằm bên bờ sông Tiền, với kiến trúc và lịch sử lâu đời: Ngôi nhà cổ ban đầu do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông.
Nhà được xây theo kiểu ba gian truyền thống của miền Tây Nam Bộ, đến năm 1917, ngôi nhà được trùng tu lại với sự kết hợp của lối kiến trúc giữa Pháp – Việt Nam và Trung Quốc cùng cách bài trí rất độc đáo. Sau này, người con út của ông Huỳnh Thủy Lê kế thừa ngôi nhà. Từ đó, ngôi nhà cũng đã đi vào câu chuyện tình lãng mạn có một không hai.
Vẻ ngoài của ngôi nhà là lối kiến trúc La Mã phục hưng ở thế kỷ 17 với những cổng vòm, cột hoa văn và phù điêu nhưng mái nhà lại là hình thuyền của miền Tây sông nước. Cách trang trí từ cửa đi vào bên trong lại là nhà ba gian của người Việt với những họa tiết điêu khắc cảnh miền quê yên bình kết hợp với lối bài trí sơn son thiếp vàng và phong thủy Trung Hoa.
Toàn bộ ngôi nhà được lát gạch hoa văn lá được nhập trực tiếp từ Pháp, những song gỗ, chiếc bàn chạm hình dơi, mọi trang trí ở ngôi nhà vẫn được giữ nguyên lại từ cách bài trí cũ, giúp bạn vừa bước đi vừa có thể cảm nhận được những ý vị xa xưa của một thời vang bóng.
Ngày nay ngôi nhà cũng trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Sa Đéc mà nhiều du khách nước ngoài ghé thăm sau khi biết đến câu chuyện Người tình.
Nếu như muốn ngủ lại, du khách hoàn toàn có thể đăng ký trước. Hãy thử trải nghiệm sự lãng mạn và mãnh liệt của tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và M. Duras 85 năm trước ở căn phòng lãng mạn này.
Du lịch Sa Đéc ngày càng trở nên hấp dẫn. Bạn có thể tới Sa Đéc bằng phương tiện tùy chọn: xe khách, moto, … khoảng chừng hơn 150km. Trong hành trình này, bạn cũng có thể ghé thăm làng hoa Sa Đéc nổi tiếng với những vườn hoa đầy sắc màu, thăm vườn quýt Lai Vung nổi tiếng hay ngược lên vùng Vàm Cống, Hồng Ngự để hòa nhịp cùng cuộc sống sông nước của người dân…
Sài Gòn – “I like Saigon -Cho Lon is beautiful”
Đạo diễn Annaud, cuối cùng vẫn phải quay lại Sài Gòn sau quá trình chọn lựa và đắn đo các địa điểm để phác lên bức họa tình yêu tuyệt mỹ này. Và câu thoại khi hai nhân vật chính mới gặp nhau là: “I like Saigon. Cho Lon is beautiful“.
Có lẽ chỉ có Sài Gòn, mới có thể từ câu chuyện tình trong hồi ức, bước ra đến điện ảnh, và toát lên trọn vẹn tinh thần của bộ phim. Tất cả các địa điểm: Bến Nhà Rồng, khách sạn Majestic, trường THPT Lê Hồng Phong và Lê Quý Đôn, chợ Bình Tây, bến Mễ Cốc, Thảo Cầm Viên, vòng quanh khu Độc Lập… thời thuộc địa đều được tái hiện qua những thước phim đẹp đến nao lòng.
Khung cảnh Sài Gòn xuất hiện không nhiều, hình ảnh gây ấn tượng nhiều nhất có lẽ là hình ảnh Bến Nhà Rồng xa xa, phía trước cổng trường ký túc xá cùng với Khu Chợ Lớn. Tuy nhiên cũng đủ thấy được cái không khí bình yên thời chiến, có phần văn minh và đẹp một cách điện ảnh với những chiếc xe ngựa lộc cộc, những chiếc Limousine sang trọng, những chiếc xe lôi được kéo bằng sức người,… Tất cả đều đã tạo dựng thành công không khí của một thời đã qua..
Có lẽ khu chợ lớn là một trong những địa điểm được đặc tả với nhiều mỹ cảm nhất. Người Tình cứ chạy tới chạy lui với những phân cảnh của một Chợ Lớn ồn ào và một Sài Gòn hoa lệ. Cứ sau giờ học là cô gái Pháp lại lén đến khu xóm nhỏ nơi Chợ Lớn và lao vào nhục cảm cùng người tình.
Người xem, có lẽ sẽ giành lấy riêng cho mình những cảm xúc riêng về những phân cảnh ở khu chợ lớn của Người Tình. Đặc biệt ấn tượng với bối cảnh của Trai Phòng nằm giữa ồn ào khu chợ. Nơi đặc biệt ghim chặt những khát khao và ước vọng của những người yêu nhau.
Việc đối lập trong – ngoài cũng là một dụng ý vô cùng sâu sắc: Bên trong cánh cửa là một khung trời riêng của cảm xúc, da thịt, khoái cảm và hưởng thụ. Bên ngoài là những âm thanh buôn bán ồn ào, náo nhiệt của người Hoa tại khu Chợ Lớn. Những mảng sáng chiếu qua các khe cửa làm cho khung cảnh càng thêm thơ.
Sài Gòn, trong bộ phim, dường như đã trở thành một chốn thiên đường giữa lòng trần của đôi nam nữ say đắm nhau. Sài Gòn đã trở thành một bài thơ tuyệt tác hơn cả bao giờ. Và đến tận bây giờ, Sài Gòn vẫn dâng đầy say mê và bỏng rực, người ta chưa bao giờ có thể nói hết vẻ đẹp của Sài Gòn qua từng câu chữ…
Du lịch Sài Gòn qua phim Người Tình là cách nhìn ngắm lại những hình ảnh quá vãng, rất chân tình mà cũng thật nên thơ. Sài Gòn bây giờ vẫn còn giữ lại được rất nhiều nét phác họa đẹp đẽ ban đầu.
Cần Thơ – nhà Bình Thủy tráng lệ, tỉ mỉ
Thật ra, tất cả những phân cảnh của Người Tình Full 1992, đều được ghi lại ở ngôi nhà cổ Bình Thủy. Cho nên, nếu là người xem, thì bạn sẽ chắc chắn được biết đến vẻ đẹp và sự nổi tiếng của ngôi nhà này.
Ngôi nhà cổ này vốn là công trình của gia đình họ Dương xây dựng với mục đích thờ tự. Bình Thủy được xây dựng trên một khoảng đất rộng 6.000m2 vào năm 1904 và đến tận 7 năm sau, tức là năm 1911 mới hoàn thành. Chủ nhân ngôi nhà, ông Dương Chấn Kỷ, một thương gia trí thức giàu có đã bài trí ngôi nhà dựa trên kết hợp nhuần nhuyễn giữa đặc trưng kiến trúc Tây Âu và kiến trúc thuần Việt.
Bước qua cánh cổng kiên cố theo đúng kiểu Pháp, ngôi nhà nổi bật trên một khoảng sân rộng, được bao bọc bởi chùm hoa đủ màu, các chậu cây cảnh xanh tốt. Đi theo dọc cầu thang hình cánh cung bước vào ngôi nhà, du khách sẽ dần thấy mình được bước vào một không gian khác hẳn, bỏ lại mọi ồn ào bụi bặm ở bên ngoài.
Đạo diễn Người tình cũng đã từng phải thốt lên: “Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây.”
Sau bộ phim L’AMANT, cũng rất nhiều bộ phim khác chọn ngôi nhà này làm bối cảnh và đã trở nên rất nổi tiếng.
Nếu bạn đi du lịch Cần Thơ, thì nhất định phải ghé qua ngôi nhà nhỏ nằm ở phía Tây Nam vàm sông Cần Thơ, nơi có nhiều con rạch lớn nhỏ, nước ngọt phù sa quanh năm tươi mát, để sống lại một lần nữa trong không khí của Người tình.
Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy cũng được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Quốc gia và đã trở thành một điểm tham quan ưa thích với du khách khi đặt chân đến thành phố này.
Có thể nói rằng, bộ phim Người tình (Full 1992) là một câu chuyện tình không hồi kết chất chứa men say. Không gian ở trong bộ phim này không chỉ được tạo dựng bởi những cảnh quan thực tế mà còn được thấm đẫm tràn trề cảm xúc của người đàn bà mang đầy duyên nợ M. Duras.
Cũng chính vì thế, nếu bạn chưa từng thử một lần đi du lịch Sa Đéc, Sài Gòn, Cần Thơ thì tại sao, không một lần cho phép mình được chìm đắm trong cảnh đẹp qua phim, cảm nhận hương nồng tình ái và một câu chuyện tình khắc khoải, nên thơ ở Người Tình?