Du lịch tháng 4: đừng bỏ lỡ những trải nghiệm tâm linh (Phần 2)
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Du lịch tháng 4 với những trải nghiệm về văn hóa, truyền thống, lễ hội, tâm linh sẽ thật thiếu xót nếu không nhắc tới địa danh nổi tiếng – cố đô xưa đầy dấu ấn của cổ nhân: Ninh Bình. Hãy dành thời gian đến với Tràng An – Bái Đính và cùng chiêm ngưỡng những tuyệt tác của Tạo hóa và con người nơi đây nhé!
2. Ninh Bình – Cố đô xưa cũ, Phật ngự non cao
Vùng đất Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X. Đây là mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Lê – Lý. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, cả trong từng ngọn núi và từng con sông. Về với Ninh Bình là ngược dòng thời gian về với mảnh đất cố đô, về với trung tâm của những tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên Chúa giáo…
Tháng 4 nên đi du lịch ở đâu miền Bắc? Ninh Bình chính là lựa chọn hoàn hảo nhất cho bạn và gia đình!
2.1. Chùa Bái Đính – Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Tên gọi Bái Đính được dân gian giải thích rằng: Bái có nghĩa là lễ bái, còn Đính nghĩa là đỉnh. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Phật thánh ở trên cao.
Chuyện ngôi chùa cổ Bái Đính bắt nguồn từ việc cách đây gần 1000 năm, có một thiền sư tên là Nguyễn Minh Không, trên đường đi tìm thuốc về chữa bệnh cho Hoàng thái tử triều Lý tên là Dương Hoán. Khi trở về, tình cờ ngài phát hiện ra hai hang động tuyệt đẹp nằm trên đỉnh núi và với sự cảm ngộ tinh tường về vùng đất Phật linh thiêng nơi đây, nên sau khi chữa lành bệnh cho Dương Hoán, ngài được vua Lý phong chức Lý Quốc sư nhưng ngài từ chối, chỉ xin vua cho về ngọn núi nơi đã tìm ra cây thuốc quý xây chùa, thỉnh Phật về thờ để tạ ơn trời đất, Phật thánh. Chùa Bái Đính ra đời từ đó.
Chùa Bái Đính hay Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính là tên một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Chùa được báo giới nhắc đến như là một ngôi chùa lớn với những kỷ lục châu Á và khu vực.
Vậy đi du lịch tháng 4 đến chùa Bái Đính có được không? Cách thức đi lại ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Cách đi lại từ Hà Nội đến chùa Bái Đính
Đường đi từ trung tâm Hà Nội tới chùa Bái Đính khoảng 110km, tuyến đường khá đẹp và có nhiều cảnh non, núi non hùng vĩ, bạn có nhiều lựa chọn khi tới Bái Đính:
- Đi bằng xe máy: bạn đi theo quốc lộ 1A, qua huyện Thường Tín, tới cầu Giẽ thì rẽ trái theo hướng về Phủ Lý – Hà Nam. Từ Hà Nam, đi tiếp 15km nữa sẽ thấy đường rẽ Ninh Bình. Từ thành phố Ninh Bình, đi theo biển chỉ dẫn 7km nữa là tới chùa Bái Đính
- Đi ô tô: Từ Hà Nội, bạn di chuyển tới Pháp Vân rồi tiến thẳng vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vượt cầu Giẽ, bạn tiếp tục theo chỉ dẫn sẽ tới Bái Đính – Ninh Bình.
- Đi xe khách: Bạn có thể bắt các chuyến xe khách Ninh Bình hàng ngày từ các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình… (giá vé khoảng 70.000-80.000đ/người). Dừng chân tại bến xe Ninh Bình, bạn có thể bắt xe ôm hoặc taxi vào chùa Bái Đính.
Hành trình đi lễ chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính mới có diện tích rộng 700 ha, gồm các hạng mục: tam quan nội, tháp chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa Pháp Chủ, điện Tam Thế, hành lang La Hán, giếng ngọc.
Tại Bái Đính, bạn có thể đi bộ hoặc tham quan bằng xe điện (30.000đ/người/chiều).
- Tam quan nội: Đây là một tam quan lớn, đồ sộ, đều dựng bằng gỗ. Trong tam quan đặt 10 tượng Hộ Pháp bằng đồng, có hai tượng lớn, mỗi tượng cao 5,5 m, nặng 12 tấn.
- Chuông lớn tại chùa Bái Đính: Tháp chuông được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, treo một quả chuông nặng 36 tấn đúc tại Huế. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam (Phá kỷ lục Việt Nam)”, ngày 12 tháng 12 năm 2007.
- Điện Quan Thế Âm Bồ Tát: 100% kiến trúc bằng gỗ. Gian giữa của điện, trên bệ cao, đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, có gần 1.000 mắt và 1.000 tay, đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57 m. Đây cũng là một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.
- Chùa Pháp Chủ: Điều đặc biệt ở chùa Pháp chủ là ở gian giữa trên bệ cao, đặt một pho tượng lớn bằng đồng nguyên khối, cao 10 m, nặng 100 tấn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam” ngày 4 tháng 5 năm 2006. Trong điện treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng. Đây là bức hoành phi và cửa võng lớn nhất Việt Nam, mới chỉ có ở chùa Bái Đính.
- Điện Tam Thế: Tọa lạc ở trên đồi cao, so với mặt nước biển là 76 m. Trong điện Tam Thế cũng treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn và đặt 3 pho tượng Tam Thế bằng đồng nguyên khối, mỗi tượng cao 7,2 m, nặng 50 tấn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007
- Hành lang La Hán: Gồm 234 gian, ở hai phía Đông Tây, có chiều dài 1.052 m. Trong các gian nhà hành lang đó đặt 500 tượng La Hán bằng đá nguyên khối to, mỗi tượng cao 2,4 m, nặng khoảng 4 tấn, do bàn tay các nghệ nhân làng nghề đá xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình chế tác. Ở Việt Nam chưa có một ngôi chùa nào có nhiều tượng La Hán bằng đá như ở chùa Bái Đính.
- Giếng ngọc: Đó là giếng ngọc của chùa Bái Đính cũ được xây dựng lại nằm gần chân núi Bái Đính mà cách đây gần 1.000 năm Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Thái tử Dương Hoán. Giếng xây lại có đường kính 30 m, độ sâu của nước là 6 m, không bao giờ cạn nước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam”, ngày 12 tháng 12 năm 2007
- Hang tối ở chùa Bái Đính cổ: Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách Điện tam thế của khu chùa mới khoảng 800 m men theo sườn núi. Bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Tương truyền rằng nơi đây, Ông Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc đã phát hiện ra hang động này đã dựng chùa thờ Phật.
Trang phục, cách mua đồ lễ
Theo quan điểm nhà Phật, lễ dâng cúng là lễ chay (tuyệt đối không cúng lễ mặn), nên hạn chế đốt tiền vàng, dâng sớ, dâng sao giải hạn.
Bạn nên lựa chọn giầy thể thao để tiện di chuyển đường dài, bởi một số nơi đòi hỏi phải leo núi và vận động khá nhiều. Bên cạnh đó, bạn lưu ý mặc trang phục thoải mái, kín đáo khi đi vào chùa để giữ sự tôn nghiêm cho chốn linh thiêng.
2.2. Khám phá ẩm thực địa phương
Vùng đất Ninh Bình là vùng đất có nhiều núi đá vôi, từ bao đời nay người dân đã nuôi các loại: Dê, gà, lợn… để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, về với cố đô bạn không thể bỏ lỡ những đặc sản sau:
- Dê núi Ninh Bình: Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng thịt dê săn chắc, ít mỡ và có vị thơm bởi dê sống trên núi đá và ăn nhiều loại cây, cỏ tự nhiên. Các món đặc sản chế biến từ thịt dê như: dê xào xả ớt, dê tái, dê áp chảo… Dê núi Ninh Bình đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
- Cơm cháy: Cơm cháy Ninh Bình đã được tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là một trong 12 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam theo tiêu chí “Giá trị ẩm thực châu Á” vào tháng 8/2012. Cơm cháy thoạt nghe tưởng chừng giản dị, nhưng công đoạn chế biến lại vô cùng cầu kì. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn và thơm của gạo, vị mặn của ruốc và vị ngậy của nước sốt kèm theo.
2.3. Trải nghiệm văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên Ninh Bình
Ninh Bình có tiềm năng du lịch rất lớn, là nơi có tới 3 danh hiệu UNESCO với quần thể di sản thế giới Tràng An, ca trù và khu dự trữ sinh quyển thế giới Bãi ngang – Cồn Nổi. Nơi đây sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, quần thể danh thắng Tràng An, nhà thờ Phát Diệm, VQG Cúc Phương, Tam Cốc – Bích Động… mà du khách không thể bỏ lỡ.
Tràng An là một trong những địa điểm du lịch tháng 4 tuyệt vời nhất, nơi có Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An vốn được coi là thành nam của kinh đô Hoa Lư xưa, có diện tích 6.172 ha, được coi là “Bảo tàng địa chất ngoài trời” nổi tiếng với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa, xã hội, lịch sử. Hệ thống hang động ở nơi này vô cùng đa dạng về hình thái và chủng loại. Mỗi một hang có vẻ đẹp, sắc thái riêng với những tên gọi rất đỗi bình dị: hang tối, hang sáng, địa linh, nấu rượu, ba giọt… . Hiện nay, Du khách đến Tràng An thường tham gia 3 tour – tuyến du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ và một tour du lịch leo núi.
Trở về với Ninh Bình là trở về với mảnh đất của kinh đô xưa, là vùng đất địa linh nhân kiệt với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm, và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Đền Vua Đinh cùng với đền Vua Lê được xếp hạng “Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”, là những di tích trong quần thể di sản cố đô Hoa Lư.
Được biết đến với cái tên như “Hạ Long trên cạn” và được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ hai trời Nam) nằm trong quần thể được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, Tam Cốc – Bích Động là hhu du lịch có nhiều tuyến tham quan bằng thuyền, đi bộ hoặc xe đạp nối khoảng 20 điểm du lịch. Đến đây, bạn sẽ như lạc vào chốn thần tiên giữa mây trời, sông nước, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Hãy ghé thăm đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam đó là: “Nơi có số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”
Nếu những trải nghiệm phong phú về tôn giáo giúp cho bạn có thêm hiểu biết và tính bao dung thì hãy ghé tham quan thêm nhà thờ công giáo Phát Diệm, rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam, đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ.
3. Địa chỉ lưu trú tốt ở Ninh Bình
Đến Ninh Bình, bạn không cần quá lo lắng về dịch vụ nghỉ ngơi bởi nơi đây có rất nhiều Resort, khách sạn từ 2 – 4 sao, nhà nghỉ, homestay như: Ninh Binh Hidden Charm Hotel & Resort, Tam Coc Garden Resort, Bai Dinh Garden Resort & Spa, Tam Coc Sunshine homestay, Trang An River View Homestay…
Đến Ninh Bình, bạn không chỉ du lịch trải nghiệm mà nên dành cả thời gian nghỉ dưỡng để tận hưởng những tiện ích đẳng cấp và sang trọng của các resort Ninh Bình nổi tiếng.
Bạn có thể đặt phòng trước qua các website, nhờ sự hỗ trợ của công ty du lịch để tiết kiệm chi phí hoặc đặt trực tiếp tại khách sạn/resort.
Tháng 4 nên đi đâu? Câu hỏi này chắc chắn sẽ không còn là vấn đề sau khi tham khảo bài viết trên. Hãy cùng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ tháng 4 tràn đầy yêu thương bên gia đình và người thân với những chuyến hành hương, trải nghiệm văn hóa và tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên bạn nhé!
One Comment