Du lịch Sài Gòn: MỘT MÌNH quên đi nỗi đau THẤT TÌNH
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
“Saigon chưa xa đã nhớ
Đường quen đôi chân sớm trưa” (*)
…Tôi đặt trái tim bỏng rãy và cháy rỉ những vết thương hoen nhoè vào lòng Saigon trong một ngày tháng Tư úa màu.
Chuyến tàu bay đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc chiều loang lổ và thành phố đã lên đèn.
Đôi mắt lạ lẫm của tôi nhìn hoài không thấy một người quen
Nhưng không quen mà nên thân và thật gần gũi…vì những tháng ngày tự hỏi: du lịch Sài Gòn, thất tình mình đi đâu là khoảng thời gian Saigon cho tôi thật nhiều tình cảm, thật lắm cưu mang.
Saigon – thành phố vỉa hè
Ai đó bảo: “vừa nghe tiếng còi tàu/ lòng đã Nam đã Bắc”, ngửng mặt nhìn những chiếc máy bay vụt qua trên bầu trời, lòng tôi biết mình đang ở nơi đây, với vết thương cũ, khởi đầu mới, lắm u sầu nhưng nhiều cơ hội để vươn lên.
Sẽ chẳng có nơi nào trên dải đất chữ S này mà đượm tình và thân thương đến thế! Một ly cà phê sữa đá, vài chiếc ghế nhựa đã bạc màu, một chiếc xe đẩy đựng cả “sự nghiệp bán rong”,…thế là đủ cho một người khách như tôi, dừng chân tạm nghỉ.
Nghe Saigon lao xao trên những vỉa hè. Người ta đang kể cho nhau nghe về anh chàng học cùng khoá, xưa rất nghèo nhưng chăm chỉ nên nay đời sống đã khấm khá hơn. Người ta cũng nói về cô bồ cũ, chợt gặp trên đường chiều hôm qua. Người ta bảo có nhà ai đó vừa mới rời khỏi Sài Gòn để định cư xứ khác vì trẻ nhỏ cần môi trường khác, nền giáo dục khác.
…Cứ thế, vỉa hè là không gian văn hoá chung, kết nối người xa kẻ lạ, người vội kẻ thảnh thơi, người già người trẻ,…gần gũi và thân quen.
Cũng trên vỉa hè này, tôi thấy bình trà đá đặt ngay ngắn kề bên: “trà đá miễn phí” xin mời dùng tự nhiên. Hoặc những xe hủ tíu, cháo lòng, bún thịt nướng, bắp xào,…di động. Có thể nói, Saigon là thành phố “take – away” vì thứ gì cũng có thể mang đi để kịp với công cuộc mưu sinh, vội vã nơi nhịp sống năng động, trẻ trung này.
Theo một cuộc khảo sát của PGS Annette Kim (Viện Công Nghệ Masachusette) có đến hơn 40% khách du lịch yêu thích văn hoá vỉa hè của Saigon và coi đây là trải nghiệm thú vị.(**)
Thật kỳ diệu khi tôi nhận ra rằng, một phần của cuộc sống được nuôi dưỡng ở đây – ngay chính vỉa hè này – với không gian công cộng khiêm nhường nhưng đầy náo động và nhạc tính.
Chờ chuyến bus tiếp theo, đợi chờ một người nào đấy, tạm dừng chân cho đỡ mỏi, tránh cơn nắng mênh mang hoặc đơn giản chỉ là ngồi xuống đây, cho một buổi sáng ngập tràn năng lượng, trước khi bắt đầu công việc ngày mới.
Hãy thử dậy sớm, khi vạt nắng tinh khiết xuyên qua kẽ lá, những cành lá xanh mướt tạo ra vòm trời đẹp lạ như “nắng thuỷ tinh” và thành phố dường như được lau khỏi cơn bụi quện chặt bằng trận mưa tối hôm trước…bước xuống đường, chọn những con đường còn vắng và nhiều cây như Trần Quốc Toản, Võ Văn Tần hay Trần Quốc Thảo,…rồi nhìn ngắm nhịp sống ngày mới, ngồi bên vỉa hè hay góc công viên, ly cà phê take away kêu “lanh canh” tiếng của những viên đá, sẽ thấy, ngày rộn ràng biết mấy và thành phố này, đẹp đến lạ lùng!
Địa điểm gợi ý:
- Cà phê góc đường Lê Thánh Tôn – Lê Anh Xuân, Q.1
- Cà phê bệt công viên 30/4
- Cà phê trước cổng trường đại học Kiến Trúc
Saigon: những hẻm vắng bình yên
Ở Saigon, mỗi con hẻm đều có đời sống riêng, như một tổ ong khổng lồ giữa lòng thành phố, mỗi nhà là một ngăn nhỏ, kết dính tình người.
Nếu đi du lịch Sài Gòn, chỉ check in những điểm đến nổi tiếng thì không thể hiểu hết được tình người và hồn phố nơi đây.
Hãy bước thật chậm vào một con hẻm nhỏ, để có thể nghe và thấy hết đời sống phố thị. Từng đoạn đường, từng hẻm vắng là từng mảnh hồn con con ghép thành bức tranh phố lớn xôn xao, náo động.
Trái ngược với bầu không khí đặc quện bức bí ngoài đường lớn: người đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, còi xe réo rắt, bánh xe người này, chạm đầu xe người kia khiến không khí càng thêm ngột ngạt…thì bạn sẽ như chạm vào thế giới khác khi tạt vào lối nhỏ, thấy xanh mướt giàn hoa giấy, nhà ngói, nhà cao lô nhô, ngôi chùa nhỏ khiêm nhường bên góc cua, vài ba tấm biển hiệu quán xinh xắn nép bên hiên nhà…
Hẻm ở Saigon không lẫn vào đâu được giữa tiếng chuông nhà thờ ngân vang mỗi sớm, giữa hàng cơm tấm giản dị của chú Ba, tiệm phá lấu bé nhỏ của dì Tư hay bánh flan của cô Năm,…
Hẻm Saigon với góc chợ con con, vài ba mớ rau trên thúng trên mẹt, con cá, miếng thịt còn tươi,…bán nhanh mà mua cũng nhanh, chưa đến trưa mà chợ đã tàn. Bởi chợ trong hẻm vẫn còn lưu giữ nét xưa của Saigon – nơi không chỉ là câu chuyện tiền hàng bán mua mà còn là tình người với nhau, là lối xưng hô dì cháu thân tình…
Tôi nhớ, mấy bận thiếu tiền hoặc quên ví, tức thì nhận được câu: “bữa nào trả cũng được”. Người Saigon không so đo vài đồng bạc, không tị hiềm và sợ được mất cỏn con.
Saigon dễ mến và nên thân cũng bởi tình người chân chất, hồn hậu và rộng mở nơi nơi.
Những trận mưa cứ như đúng giờ lại đến, Saigon mát lạnh, xanh trong giữa lòng phố. Chẳng ai biết cái nhộn nhạo hối hả ngoài xa lộ kia lại trái ngược với cái yên tĩnh, tươi vui giữa hẻm trong lòng phố chỉ đến khi chạm vào.
Ban đêm, giữa hẻm vắng, tiếng rao đêm mênh mang xao động. Ban ngày, vài gánh hàng rong đưa tiếng rao len lỏi trong những con hẻm ngoằn ngoèo.
“Tôi ở gác nhỏ, bước xuống con hẻm hỏi thăm những hàng quán cận kề, chú bảo vệ dễ thương lâu nay vẫn hay níu ngược chúng tôi lại cho trái mận, dúi trái cóc, gặp nhau bao giờ cũng trêu ghẹo đôi câu…Một chú bảo vệ khác của nhà hàng cạnh bên gặp tôi cầm cái tay, thanh minh cho một lần nào đó chỗ giữ xe không đủ để nhận giữ thêm xe của khách Người Sài Gòn, e ngại hiểu lầm nhau mà mất đi cái tình bấy lâu…Nhớ cả đôi vợ chồng bán cà phê cóc trong hẻm, sớm chiều ra vô gặp nhau ngày đôi lần mà lần nào cũng siêng chọc ghẹo nhau một câu, thấy từ xa đã chào hỏi rổn rảng…”(***)
Những con hẻm Sài Gòn là nơi khiến cho người ta yêu Sài Gòn hơn và muốn gắn bó với những nỗi niềm xúc cảm rất đỗi thân thương.
Địa điểm gợi ý:
Nếu chẳng biết chọn hẻm nào để đi giữa Saigon đông đúc hàng ngàn con hẻm nhỏ. Thì cứ chọn đại hẻm 52 đường Hồ Thị Kỷ (Q.10) để ngắm hoa tươi suốt mười hai tháng. Hoặc ghé hẻm “ông tiên” (96 Phan Đình Phùng – Phú Nhuận) để nghe những câu chuyện kể về người đàn ông lương thiện, dang tay làm vạn điều lành.
Đừng sợ nếu đi du lịch Saigon mà thiếu đi những tấm hình sống ảo. Chụp ảnh ở con hẻm Hào Sĩ Phường – nơi được mệnh danh là HongKong thu nhỏ sẽ cho bạn những góc chụp lung linh…
Cái tình của Saigon, cái hồn của thành phố,…hoá ra lại nằm rất gần ở lề phố và những chỗ chật chội như hẻm nhỏ quanh co. Giữa thành phố sôi nổi, đời sống nổi trôi của bao phận người tới chỉ để mưu sinh rồi đi vội vã. Hoặc như tôi, tới chỉ để chạy trốn nỗi buồn rồi muốn bạc bội ra đi…thì Saigon vẫn thế: trẻ trung đầy nhịp điệu, mộc mạc đầy chất thơ và không thiếu tình người.
Những con hẻm nhỏ chằng chịt như những mạch máu để nuôi hồn người, hồn phố và níu giữ những chân tình. Tôi nhớ dĩa bắp xào thơm lừng mùi tép khô của dì Tư nơi hẻm nhỏ bên Gò Vấp, nhớ công viên 30/4 xanh trong mỗi cuối tuần lại có vài gã trẻ chơi nhạc rất hay, nhớ hủ tiếu gõ mười hai ngàn ăn hai tô mới đủ no, nhớ tiếng chuông nhà thờ mỗi Chúa nhật và tà áo dài đi lễ trang nghiêm…
Người Saigon xuề xoà, dễ tính nhưng lòng thành kính cũng chân thật chẳng lả lơi. Saigon gu thời trang nào cũng được trân trọng như nhau khi đi mua một món hàng. Dù hai mươi ngàn hay hai triệu thì lời cảm ơn vẫn tươi rói trên môi.
“Sài Gòn chưa xa đã nhớ
Hẹn mãi như chưa bao giờ”
Du lịch Sài Gòn – chắc hẳn chẳng cần gì nhiều khi chỉ lang thang hẻm vắng và vỉa hè đã thấy đủ ân tình mà thành phố này đã dành cho bao nhiêu thế hệ người sống rồi rời xa nơi đây.
Nếu được quay lại Saigon lần nữa, chắc hẳn tôi sẽ đến bằng tình yêu thiết tha với nơi này.
(*) – Tình ca phố – Quốc Bảo
(**) – Giáo sư Annette Kim: “Vỉa hè Sài Gòn là không gian công cộng sống động, nhân bản và hợp tác” – Báo Đô thị Việt Nam
(**) – Sài Gòn vẫn hát – Tác giả: Uyên Bee, Mạc Thụy
Thor – Saigon tháng 4/2017