Khám phá chùa Phật Tích – Nơi gắn với truyền thuyết ly kỳ ở Bắc Ninh
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Không chỉ mang ý nghĩa to lớn về tôn giáo mà chùa Phật Tích Bắc Ninh còn sở hữu một công trình kiến trúc rất đặc biệt, kết hợp tinh hoa thẩm mỹ của nhiều nền văn hóa qua các thời đại. Hãy cùng DulichToday khám phá xem chùa Phật Tích có gì mà được dân gian tôn vinh là cổ tự linh thiên của Bắc Ninh nhé!
1. Giới thiệu về chùa Phật Tích
Là một trong những ngôi chùa có niên đại lịch sử lâu đời mang đậm dấu ấn thời Lý. Chùa Phật tích không chỉ là di sản văn hóa quý giá, mà còn là nguồn tư liệu sống động, đầy tính nhân văn trong cuộc hành trình tìm về cội nguồn dân tộc. Do đó, với những tín đồ của Phật giáo hay bạn quan tâm tới các giá trị lịch sử truyền thống thì chùa Phật Tích Bắc Ninh sẽ là điểm đến tham quan không thể bỏ lỡ.
Ngôi chùa thuộc địa phận xã Phật Tích, đây là nơi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa tín ngưỡng dân gian Việt cổ và Phật giáo. Với sự kết hợp thật hài hòa đã tạo ra trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Đi cùng các giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, chùa Phật tích đã thu hút rất nhiều phật tử và du khách khắp nơi tới bái lễ, ngắm cảnh và nghiên cứu hàng năm.
2. Di chuyển đến chùa Phật Tích như thế nào?
Cách Hà Nội khoảng 20km, chùa Phật Tích ngôi chùa nằm trên ngọn núi Lạn Kha thuộc địa phận huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Để di chuyển tới chùa, bạn có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện với các hướng đi như sau:
Đi bằng xe bus: Khá nhiều phật tử đã lựa chọn phương án này vì tiết kiệm được kha khá chi phí. Bạn có thể xuất phát từ bến xe Gia Lâm – Long Biên – Hà Nội, bắt tuyến xe bus số 54 hoặc 203 để di chuyển tới điểm dừng gần chùa.
ĐI bằng phương tiện cá nhân: Phương tiện phổ biến nhất thường được mọi người lựa chọn là tự đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân để tới chùa Phật Tích Bắc Ninh. Bạn đi tới cầu Chương Dương hoặc cầu Vĩnh Tuy rồi lên Quốc lộ 1, sau đó cứ đi thẳng là tới chùa.
Đi bằng xe khách: Bạn còn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách tuyến Hà Nội – Bắc Ninh. Một số nhà xe uy tín chạy tuyến này như Phúc Xuyên, Thọ Hải, Đức Phúc…
Thời điểm nào nên đến thăm chùa Phật Tích?
Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, các phật tử đều có thể tới chùa Phật Tích Tiên Du Bắc Ninh. Tuy nhiên để phù hợp nhất là vào tháng Giêng, bởi lúc này thời tiết mát mẻ, hoa cỏ sinh sôi, phù hợp để vãn cảnh chùa.
Ngoài ra, vào thời điểm này còn có lễ hội Khán hoa mẫu đơn ở chùa Phật Tích – Một trong những lễ hội diễn ra sớm và quy mô lớn nhất Bắc Ninh. Lễ hội này gắn với chuyện tình cảm động Từ Thức gặp thần tiên.
Lễ hội chùa Phật Tích thường được tổ chức trong ba ngày, từ mùng 3 đến mùng 5 Tết âm lịch. Ngày chính lễ hội là mùng 4, nhưng từ mùng 3 đã có rất đông du khách kéo về chùa để lễ Phật, cầu may mắn, bình an cho năm mới.
3. Lịch sử chùa Phật Tích
Chùa Phật tích hay được người xưa gọi là chùa Vạn Phúc, tọa lạc ngay bên sườn phía nam núi Lạn Kha, thuộc tôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trích từ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, ngôi chùa được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ VII – X.
Khi xưa, ngôi chùa được các nhà Phật giáo đầu tiên từ Ấn Độ chọn làm điểm dừng chân khi sang nước Việt truyền đạo. Đến năm 1057, chùa được vua Lý Thánh Tông xây dựng và trong nhiều niên đại của nhà Lý – Trần, chùa Phật Tích đều được xem là Quốc tự – Trung tâm Văn hóa Phật Giáo của Đại Việt.
Không chỉ là trung tâm Phật giáo Quốc gia vào thời bấy giờ, ngôi chùa còn được những triều đại sử dụng vào những công việc xã hội nằm ngoài phạm vi tôn giáo một cách hiệu quả như tổ chức thi Tiến sĩ, thư viện Lạn Kha…
Trong thời kỳ kháng chiến, thực dân Pháp chiếm đóng ngôi chùa và phá hủy gần như toàn bộ nội, ngoại thất cùng rất nhiều di vật. Tới năm 1959, chùa Phật Tích được Nhà nước cho xây dựng lại theo nền móng và các di vật còn sót lại trong chùa. Những di vật còn lại này tuy không nhiều nhưng đều trở thành bảo vật mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và mỹ thuật vô giá.
Chùa Phật Tích đã có niên đại gần 1.000 năm tuổi là nơi xuất phát của nhiều câu truyện cổ tích, huyền thoại về mối tình giữa viên quan Tri huyện Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương; Truyền thuyết về Vương Chất vì mải mê xem hai tiên ông đánh cờ tới nỗi để mục cả cán rìu…
Với dòng lịch sử đầy tính giá trị văn hóa mà chùa Phật Tích sở hữu, vào năm 1962, Bộ Văn Hóa ban hành Quyết định công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử – Văn hóa, và trở thành một trong bốn ngôi chùa, đình đầu tiên tại Bắc Ninh được xếp hạng.
4. Những kinh nghiệm khi đi chùa Phật Tích
Các bạn cần lưu ý một số điều sau đây khi đi lễ chùa Phật Tích:
- Tâm thái phải trong sáng hướng thiện, đi chùa chỉ nên cầu bình an, sức khỏe cho đất nước, gia đình.
- Đi chùa thì không nhất thiết phải sắm lễ lớn dâng Phật mà quan trọng nhất là lòng thành tâm. Chỉ cần một ít nhang dầu, lễ nghi và công đức là rất quý.
- Đi chùa thì không dâng lễ đồ mặn, chỉ dâng hoa quả, quà bánh thuần chay. Khi dâng lễ thì xếp lễ, xếp hoa quả vào từng khay riêng rồi đặt tại nơi theo hướng dẫn của nhà chùa.
- Nên khấn tại nơi thờ Phật, điện Tam bảo trước rồi mới đến các điện thờ Tổ, Thánh Mẫu sau đó mới tới các nơi khác.
- Đi chùa nên mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Không nên mặc váy, tuyệt đối không mặc áo 2 dây, quần ngắn, trang phục hở hang. Ngoài ra, hãy chọn đi giày, dép dễ cởi vì khi vào khu vực bên trong chùa điện thờ cần tháo giày dép.
- Không chạy nhảy, gây ồn ào trong khuôn viên chùa. Khi cầu khấn thì tránh khấn vãi ầm ĩ làm ảnh hưởng tới người khác.
- Không ngắt hoa, bẻ cành và sờ vào các hiện vật trong chùa.
- Vào những ngày lễ hội, chùa sẽ rất đông đúc, du khách cần chủ động bảo quản tài sản cá nhân.
- Nếu ghé vào các quán hoa quả, thức ăn, hương nhang… xung quanh chùa thì nên hỏi kỹ giá, nhất là các dịch vụ viết sớ, xem bói…
5. Đi lễ chùa không nên cầu gì? Văn khấn tại chùa
Đi chùa lễ Phật thì không nên cầu tiền bạc, công danh hay vật chất như trúng số, thăng quan. Đi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới không nên cầu xin năm nay được thế này, được thế nọ vì chỉ có tự lực mới giúp được mình. Dưới đây là bài văn khấn lễ Phật ngắn gọn, dễ nhớ dành cho các Phật tử:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Hôm nay là ngày…….. tháng…….. năm Nhâm Dần
Tín chủ con là …………………
Ngụ tại………………………
Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi Chùa …….. dâng nén tâm hương, dốc lòng kính lạy:
Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan âm Đại sỹ, và Thánh hiền Tăng.
Đệ tử lâu đời lâu kiếp, nghiệp chướng nặng nề, si mê lầm lạc.
Ngày nay đến trước Phật đài, thành tâm sám hối, không làm điều dữ, nguyện làm việc lành, ngửa trông ơn Phật, Quan âm Đại sỹ chư Thánh hiền Tăng, Thiên Long bát bộ, Hộ pháp Thiên thần, từ bi gia hộ. Khiến cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an quy làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho vận đảo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.
Đặng mà cứu độ cho các bậc Tôn trưởng Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng cả chúng sinh đều thành Phật đạo.
Tâm nguyện lòng thành kính bái thỉnh cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
6. Kiến trúc chùa Phật Tích Bắc Ninh
Chùa Phật Tích đã có nghìn năm tuổi, nơi đây trải qua nhiều biến cố của lịch sử và đến nay vẫn còn gìn giữ và tái dựng được nhiều công trình và di vật quý giá.
Khu thờ chính
Khu thờ chính thiết kế 7 gian tiền đường, là nơi để đón khách; 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà và các vị Tam Thế Phật; 8 gian thờ Tổ và 7 gian thờ Thánh Mẫu. Phía bên phải là miếu thờ, nơi ghi nhận công lao trùng tu và phục dựng lại ngôi chùa của bà Trần Thị Ngọc Am – đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu tại chùa này.
Khu thờ chính mang đậm nét kiến trúc Phật giáo thời nhà Lý khi được thiết kế “nội công ngoại quốc”, mái chùa cong lên chạm khắc hình mây, nổi bật nhất là chạm khắc rồng và hoa sen…
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích
Lý do mà ngày nay đổi tên từ chùa Vạn Phúc sang Phật tích là do sự phát triển của bảo vật tượng Phật A Di Đà sau một lần tháp trong chùa bị đổ. Bức tượng Phật được làm từ đá xanh nguyên khối cao 2,7m, nay đang được thờ tại Thượng điện.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích được điêu khắc từ thời nhà Lý và là bức tượng Phật có niên đại lâu nhất tại Việt Nam. Về mặt mỹ thuật, tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích là một bức tượng hình mẫu, là kiệt tác mỹ thuật của người Việt và được sao y thành 2 phiên bản được đặt tại 2 viện bảo tàng Lịch Sử và Mỹ Thuật Việt Nam.
Đại Phật tượng – bức tượng Phật cao 27m ở trên đỉnh núi Lạn Kha cũng được lấy hình mẫu từ tượng Phật A Di Đà được thờ trong chùa. Tượng Phật A Di Đà trên đỉnh núi đạt kỷ lục là bức tượng cao nhất Đông Nam Á. Nhìn từ xa, du khách có thể thấy rõ bức tượng tôn nghiêm và tòa Bảo Tháp trên nền núi non hùng vĩ, tạo ra một khung cảnh linh thiêng và an lành.
Vườn Tháp
Chùa Phật Tích còn lưu giữ 32 ngọn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì và nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết. Phần lớn các ngọn tháp này đều có tên và niên đại an tháp. Trong đó ngọn tháp lớn nhất là tháp Phổ Quang – Công trình để tưởng nhớ sự hiện diện của tòa tháp cổ cao hơn 40m mà vua Lý xây dựng trước kia. Tòa tháp này cao hơn 5m, bao gồm 14 tầng, đỉnh tháp treo Đại Hồng Chung – Quả chuông lớn thường được đánh vào các dịp đặc biệt.
Hàng tượng linh thú
Tại sân chùa có hàng tượng linh thú hàng ngàn năm tuổi, bố trí ngay trước tòa Tam Bảo. Có tổng mười linh thú gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử. Mỗi lĩnh thú sẽ được khắc họa rất sinh động với các tư thế, biểu cảm độc đáo khác nhau. Những linh thú này được gắn với cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mang hàm ý bảo vệ và quy y cửa Phật. Tới năm 2017, bộ tượng 10 linh thú tại chùa được công nhận là Bảo vật Quốc Gia.
Long Trì (Ao Rồng)
Long Trì là một ao nhỏ có hình vuông, nay đã cạn nước. Sở dĩ gọi là Ao Rồng vì dưới đáy ao có một thềm đá hình bán nguyệt chạm nổi hình rồng đặc trưng của thời Lý uốn mình bên dòng nước đang nhô cao. Rồng vốn là linh vật biểu tượng cho đạo Phật vào thời nhà Lý, do vậy mà những hiện vật có hình rồng tại chùa Phật tích càng minh chứng về sự linh thiêng và an lành của vùng đất này.
Khi tới thăm quan và tìm hiểu về chùa Phật Tích, du khách có thể cảm nhận được sự bình yên, tĩnh lặng giữa một khuôn viên rộng rợp bóng mát cây xanh trong không khí thiền môn. Hãy cùng DulichToday tới thăm chùa Phật Tích để cảm nhận được hương nhang thanh nhẹ, tiếng chuông chùa, tiếng kinh theo gió vang xa làm xoa dịu lòng người.