Chiêm ngưỡng kiến trúc Chùa Cầu – Ngôi chùa không thờ Phật “góp mặt” trên tờ 20.000VNĐ
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Nếu bạn tìm kiếm từ khóa “du lịch Hội An”, chắc chắn bên cạnh “phố cổ”, “đèn lồng” thì “Chùa Cầu” cũng được xuất hiện rất nhiều. Có thể thấy độ nổi tiếng của Chùa Cầu Hội An lớn đến mức nào. Chùa cầu không chỉ được xem là một biểu tượng của Hội An mà còn là tọa độ check-in cực đỉnh của du khách, hãy cùng DulichToday khám phá về địa danh này nhé!
“Hội An đất chật người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước xóm sau
Dưới thời Âm Bổn, Chùa Cầu bên trên”
1. Giới Thiệu Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu nằm ngay cửa ngõ dẫn vào trung tâm phố cổ Hội An, nối giữa phố Nguyễn Thị Minh Khai và phố Trần Phú, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Chùa Cầu với hình dáng một cây cầu được người Nhật xây dựng cách đây 400 năm. Cây cầu gỗ này dài 18m, uốn cong qua con rạch chảy vào sông Hoài. Sở hữu kiến trúc độc đáo giống như một ngôi chùa, Chùa Cầu đã trở thành di sản văn hóa xứ Phù Tang duy nhất trên đất Việt Nam.
Chùa Cầu còn có tên gọi khác là Lai Kiều Viễn, hay cầu Nhật Bản. Tuy nhiên thường được người dân gọi là chùa vì có hình dáng của một ngôi chùa. Trong quá khứ, ngoài chức năng lưu thông thì nơi đây còn là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng bao đời của người dân phố Hội, là địa điểm phân xử tranh chấp buôn bán ở thương cảng Hội An.
Tới nay, nhắc tới Hội An thì không thể không có Chùa Cầu, nơi đây đã góp phần tạo nên một Hội An xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới.
Vào năm 1990, Chùa Cầu chính thức được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Vào ban đêm, công trình này được bật sáng đèn, tạo cảm giác lung linh, huyền ảo với ánh sách rực rỡ cả một đoạn sông.
2. Hướng Dẫn Cách Đi Đến Chùa Cầu Hội An
2.1 Cách di chuyển đến Hội An
Tàu hoả: Bạn có thể di chuyển từ ga Hà Nội/ TP. HCM đến ga Đà Nẵng. Thời gian di chuyển bằng tàu hỏa khá lâu, từ 15 – 20 tiếng. Giá vé sẽ phụ thuộc vào loại ghế và hành trình bạn chọn. Tới ga Đà Nẵng, bạn tiếp tục bắt xe khách, xe bus về Hội An.
Máy bay: Đây là phương tiện di chuyển nhanh nhất được nhiều người lựa chọn, chỉ mất khoảng 1 tiếng sẽ tới sân bay Đà Nẵng.
Xe khách: Có khá nhiều nhà xe chạy tuyến Hà Nội/TP. HCM đến Hội An, giá vé sẽ dao động từ 300.000 – 500.000đ/lượt, thời gian di chuyển cũng khá lâu.
2.2 Giờ Mở Cửa Chùa Cầu Hội An
- Địa chỉ: 186 Trần Phú, Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam
- Thời gian mở cửa tham quan Chùa Cầu: Sáng: 9:00h – 11:00h; Chiều: 15:00h – 22:00h
- Giá vé vào Chùa Cầu Hội An:
- 80.000 VNĐ/khách Việt Nam
- 100.000 VNĐ/khách quốc tế
Lưu ý: Với tấm vé này, bạn được tùy chọn tham quan 4 trong 21 địa điểm có tính phí.
2.3 Đến Hội An vào mùa nào?
Việc lựa chọn thời điểm tới Hội An cũng rất quan trọng. Trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm lý tưởng nhất, bạn có thể chọn hai mốc thời gian sau:
Tháng 2 – tháng 4: Đây là giai đoạn đầu xuân, khí trời mát mẻ, nắng không gắt, trời ít mưa.
Tháng 5 – tháng 8: Trời vẫn đẹp và không có mưa. Tuy nhiên nắng lên khá gắt và nhiệt độ cao sẽ gây khó chịu đôi chút.
Tháng 9 – tháng 1: Bạn không nên đi vào thời điểm này vì Hội An thường xuất hiện những cơn mưa kéo dài, làm cản trở chuyến đi và các hoạt động của mình.
3. Chùa Cầu Hội An Thờ Vị Thần Nào?
Tuy gọi là chùa nhưng thực tế nơi này lại không thờ phật mà chùa Cầu thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ – một vị thần lớn của Đạo giáo. Vị thần này được người dân tôn thờ vì đã bảo vệ họ khỏi thiên tai, lũ lụt, bảo hộ xứ sở. Người dân phố Hội đặt niềm tin vào vị thần hộ mệnh, họ cầu nguyện để có một cuộc sống may mắn, an toàn và thịnh vượng.
Bên cạnh đó, hai đầu cầu còn thờ cúng trang trọng cặp linh hầu và thiên cẩu. Đôi linh vật này sẽ canh giữ và trấn yểm Chùa Cầu. Ngày nay, vào những ngày rằm, lễ, Tết, mùng 1 hàng năm, người dân Hội An vẫn thường tới trước tượng thần Bắc Đế Trấn Vũ để dâng lễ, cầu xin ngài che chở, phù hộ cho nhân dân.
4. Truyền Thuyết Chùa Cầu Hội An
Truyền thuyết của Nhật Bản kể rằng, khi xưa có một con thủy quái gọi là Mamazu (con Cù), phần đầu nằm ở Nhật Bản, phần đuôi nằm tại Ấn Độ, phần lưng thì vắt qua Hội An. Con quái vật này thường gây ra các cuộc động đất, sóng thần, lũ lụt tại các vùng biển mà nó ngự trị. Vì vậy, để khống chế Mamazu, người Nhật đã xây dựng cây cầu có hình dáng giống như một thanh kiếm đâm vào lưng con thủy quái, nhằm trấn yểm, khiến nó không thể vùng vẫy, gây họa.
Về mặt địa chất, khu vực phố cổ Hội An được bồi đắp từ sông Thu Bồn – con sông lớn của miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt, khiến việc làm ăn, sinh hoạt của người dân phố Hội và các thương gia Nhật Bản khi xưa gặp nhiều khó khăn. Sự xuất hiện của Chùa Cầu như một điểm tựa tâm linh, giúp họ vượt qua những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để có thể xây dựng và phát triển ở vùng đất mới này.
5. Lịch Sử Chùa Cầu Hội An
Vào khoảng thế kỷ thứ 16 – 17, khi nhà Nguyễn bắt đầu cải cách, thông thương, phát triển công thương nghiệp… thì Hội An khi đó được chọn làm cảng thị – nơi gặp gỡ, trao đổi hàng hóa giữa người Việt và các thương nhân nước ngoài. Lúc bấy giờ, Hội An rất nhộn nhịp, tấp nập và nhanh chóng trở thành một trong những cảng thị lớn nhất Đông Nam Á.
Khi các thương nhân Nhật Bản tới Hội An sinh sống, họ đã quyên góp và xây dựng một cây cầu vắt qua con rạch nhằm thuận tiện cho việc đi lại. Bởi vậy mà người dân gọi nó là cầu Nhật Bản.
Năm 1653, người dân dựng thêm phần chùa ở sườn cầu phía Bắc, nho ra giữa cầu, làm cho mặt bằng công trình tạo thành hình chữ T. Từ đó cũng đổi tên thành chùa Cầu.
Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu tới thăm Hội An và gọi đây là Lãi Viễn Kiền, tức là “cầu đón khách phương xa”, giống như một cách để ghi nhớ việc ông từng ghé qua đây. Ngày nay, cái tên này vẫn còn trên tấm bảng lớn trước cửa chùa.
Theo niên đại còn lưu ở xà nóc và văn bia ở đầu cầu, Chùa Cầu được xây dựng lại vào khoảng năm 1817, dưới thời nhà Nguyễn. Từ đó tới nay, Chùa Cầu đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào các năm 1865, 1915, 1986. Những đáng tiếc, sau những lần trùng tu này, nhiều kiến trúc Nhật Bản ban đầu đã bị mai một, thay vào đó là kiến trúc Việt, Trung như mọi người thấy hiện tại.
6. Chiêm ngưỡng kiến Trúc Chùa Cầu Hội An
Tuy rằng, ban đầu chùa Cầu mang đậm phong cách kiến trúc Nhật Bản, nhưng sau nhiều lần trùng tu thì địa danh này phần nhiều trở thành nét của một ngôi chùa Việt Nam và Trung Quốc. Với tổng chiều dài khoảng 18m, rộng 3m, Chùa Cầu bắc qua một nhánh sông. Cây cầu được làm hoàn toàn từ gỗ, với những nét chạm trổ tinh xảo. Cấu trúc cầu gồm 3 phần chính: 2 phần đầu cầu và 1 phần thân cầu. Mỗi đầu cầu chia 3 nhịp, phần thân có 5 nhịp đặt trên các trụ gạch cắm thẳng xuống nước.
Ngôi chùa được ngăn với cầu bởi một lớp vách gỗ cùng bộ cửa bức bàn thượng song hạ bản rất đặc trưng của kiến trúc nhà cổ Việt Nam. Tất cả hệ khung của công trình đều làm từ gỗ, với 3 hệ mái tương ứng với 3 phần cầu.
Sử dụng mái ngói âm dương với phần mái che hình vòng cung độc đáo, hai bên hành lang hẹp để người dân nghỉ mát. Phần mái có nhiều chi tiết chạm trổ trang trí bên bờ nóc, bờ chảy, nhất là những chiếc đĩa gốm men lam được khảm trên mái. Trong chùa vẫn còn lưu giữ nhiều tấm bia đá ghi lại lịch sử công trình này và phố cổ Hội An.
Có thể bạn đã biết, Chùa Cầu nổi tiếng của Hội An chính là hình ảnh công trình được in lên tờ tiền 20.000 đồng Việt Nam. Ngoài việc tham quan Chùa Cầu, du khách cũng có thể trải nghiệm 12 lễ hội nổi tiếng tại phố Hội nữa đó.
7. Khách sạn chất lượng gần Chùa Cầu Hội An
Hãy chọn cho mình một nơi lưu trú chất lượng và nằm sát bên phố cổ Hội An để thuận tiện di chuyển tới Chùa Cầu và các địa điểm tham quan của phố Hội nhé.
Old Yellow House
- Địa chỉ: 51/5b Phan Châu Trinh, Hội An
- Giá từ: 200.000-500.000 VND/ phòng/ đêm
Là một homestay Hội An với những góc phòng vintage đẹp lung linh và bố trí sẵn những chiếc ghế gỗ trên phần ban công trông rất xinh xắn. Đây là nơi cực kỳ lý tưởng của các cặp đôi trẻ, vào buổi tối có thể nhâm nhi tách cà phê, ngắm nhìn phố cổ bên dưới cực “chill” nhé. Bạn cũng nên lưu ý là Old Yellow House nằm ngay trong phố cổ, diện tích không quá lớn nên nhà vệ sinh và phòng bếp sẽ phải dùng chung.
Biệt thự du lịch Cát Tường
- Địa chỉ: 163 Nguyễn Trãi, P. Cẩm Châu, Hội An
- Giá từ: 720.000 VND/ phòng/ đêm
Một chỗ ở tuy không quá gần Chùa Cầu là Biệt thự du lịch Cát Tường. Nhưng nơi này ghi điểm với nhiều khách du lịch nhờ sở hữu một không gian mộc mạc, ấm cúng, gần gũi thiên nhiên. Biệt thự Cát Tường có đầy đủ dịch vụ tiện nghi như hồ bơi ngoài trời view cánh đồng, cung cấp tour làm vườn, tour ẩm thực Hội An, tour ăn uống về đêm, tour tham quan làng nghề, tour tham quan Hội An bằng xe jeep hay vespa,… cực kỳ thú vị.
Hidden Beach Bungalow Sea View Hội An
- Địa chỉ: Lạc Long Quân, P. Cẩm An, Hội An
- Giá từ: 800.000 VND/ phòng/ đêm
Chỉ mất khoảng 5 – 10 phút đi xe là bạn sẽ tới được Chùa Cầu, Hidden Beach Bungalow là một địa điểm vừa gần TP. Hội An lại vừa có view biển xanh mát mắt. Đây là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của những cặp đôi mới cưới. Bungalow mang phong cách Địa Trung Hải kết hợp với thiết kế Á Đông với những tấm mái lá, đồ nội thất từ gỗ, tre, nứa tạo không gian gần gũi với thiên nhiên. Các phòng nghỉ ở đây đều có cửa kính lớn hướng ra biển.
Thời gian vẫn cứ trôi qua, phố cổ Hội An đã chứng kiến bao thăng trầm, bao cuộc đời đã đến rồi lại đi nhưng Chùa Cầu vẫn vững chãi và uy nghiêm ngự trị ở đó. DulichToday hy vọng rằng tới với Hội An, bạn sẽ không bỏ lỡ mất địa điểm này, hãy cảm nhận và hoài niệm về những năm tháng xưa kia, tĩnh lại giữa dòng đời hối hả.