Địa điểm Hà Nội

Tìm hiểu Thủ Đô qua 10 di tích lịch sử Hà Nội NỔI TIẾNG

Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!

Hà Nội – trái tim Việt Nam, là nơi mà mỗi người con nước Việt đều dành một tình cảm yêu mến sâu sắc khi nhắc về. Vậy để tìm hiểu mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến ấy, mời bạn đọc cùng DulichToday lần lượt đi qua 10 di tích lịch sử Hà Nội – nơi ghi dấu những biến cố thăng trầm và sự trưởng thành của đất nước qua tiếng gọi từ quá khứ.

1. Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm – Biểu tượng của Thủ Đô

Tháp Rùa Hồ Gươm nằm ngay giữa trung tâm thành phố bao quanh bởi những bóng cây xanh rợp mát và không khí sầm uất đặc trưng của 36 phố phường có lẽ là hình ảnh đầu tiên nhắc nhớ chúng ta về thủ đô Hà Nội.

Tại gò đất mà Tháp Rùa tọa lạc, khi xưa vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài để ngắm cảnh, câu cá, ngâm vịnh thơ ca. Đến thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỉ 17, 18 thì chúa Trịnh cho xây Tả Vọng Đình để làm nơi nghỉ mát trong mùa hè. Song trước khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh đã cho phá bỏ tất cả những gì họ Trịnh dựng lên và vì thế không còn dấu tích gì của đình Tả Vọng nữa. Năm 1883, sau khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội, Bá hộ Kim (Nguyễn Ngọc Kim) một tên tay sai của thực dân Pháp tin thuyết phong thủy nói rằng đây là gò đất “vạn đại công khanh” nếu chôn hài cốt tiền nhân vào đó, con cháu sẽ muôn đời nối nhau làm quan cao chức trọng. Nên y đã cho xây dựng Tháp Rùa vào năm 1886 và có ý muốn đặt mộ cha mẹ ở đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy, ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim.

Tháp Rùa Hồ Gươm - Biểu tượng của Thủ Đô Hà Nội
Tháp Rùa Hồ Gươm – Biểu tượng của Thủ Đô Hà Nội

Kiến trúc Tháp Rùa là sự kết hợp hai nền kiến trúc đông tây. Hai tầng dưới trổ các cửa theo kiểu cửa vòm của nhà thờ phương tây. Còn tầng trên cùng lại làm mái kiểu truyền thống với đầu đao và lưỡng long trầu nhật. Với sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa. Điều quan trọng nhất là Tháp Rùa đã, đang tồn tại không chỉ là hiện hữu mà còn là tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

2. Đền Ngọc Sơn – Không Gian Văn Hóa Tâm Linh Giữa Lòng Đảo Ngọc

Đền Ngọc Sơn là một di tích lịch sử văn hóa Hà Nội đặc trưng cho truyền thống tín ngưỡng và thờ phượng tâm linh của người dân Hà Thành. Đền nằm trên một gò đất cao phía Đông Bắc của hồ, đường dẫn và là cầu Thê Húc được ví như một “dải lụa đỏ” cong cong, mềm mại vắt ngang tạo nên một di tích danh thắng hài hòa với bối cảnh thiên nhiên, khiến người ngắm nhìn không khỏi bị thu hút bởi vẻ đẹp ấy.

Cầu Thê Húc - Dải lụa đỏ dẫn ra Đền Ngọc Sơn
Cầu Thê Húc – Dải lụa đỏ dẫn ra Đền Ngọc Sơn

Đền được xâu dựng từ đầu thế kỉ 19 . Năm Tự Đức thứ 18 (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại ngôi đền và dần dần có diện mạo như ngày nay. Đền Ngọc Sơn mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Điểm nhấn tuyệt vời nhất là khi ông còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc – Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Bên trái của đền ông cho dựng Đài Nghiên. Phía Đông trên núi Ngọc Bội ông cho xây Tháp Bút, tạo nên một thể hoàn chình.

Đền Ngọc Sơn là một điển hình về không gian và kiến trúc tuyệt tác. Đền Ngọc Sơn được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam. Bên trong đền có các câu đối, hoành phi và vật bài trí vô cùng linh thiêng. Kiến trúc đền Ngọc Sơn thể hiện rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nhiều năm tháng lịch sử.

Đền Ngọc Sơn - nơi hội tụ linh khí giữa trời đất linh thiêng
Đền Ngọc Sơn – nơi hội tụ linh khí giữa trời đất linh thiêng

Tới Hà Nội, thả bước bên Hồ Gươm rồi vào Đền Ngọc Sơn thắp nén nhang, cầu khẩn thần linh phù hộ sức khỏe, bình an đã trở thành thói quen của nhiều người. Nơi đây cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách thập phương mỗi lần đến thủ đô.

3. Chùa Một Cột – Đóa hoa sen ngàn năm tuổi trong lòng Hà Nội

Chùa Một Cột là một di tích lịch sử Hà Nội có kiến trúc độc đáo bậc nhất không chỉ trong nước mà còn được công nhận trong khu vực. Quần thể kiến trúc gồm chùa và tòa đài được xây dựng dưới hồ vuông ở phía Tây Hoàng thành Thăng Long. Chùa Một Cột còn được biết đến bởi những cái tên như chùa Mật, Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự. Sở dĩ gọi là chùa Một Cột vì tòan bộ kiến trúc được đặt trên một cột trụ độc nhất giữa hồ sen hình vuông. Ngôi chùa được thiết kế hài hòa theo quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ, vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm hài hòa và trọn ven. Nhìn toàn cảnh, chùa Một Cột trông giống như một bông sen nở rộ vươn lên từ giữa hồ.

Chùa Một Cột - Đóa hoa sen ngàn năm tuổi trong lòng Hà Nội
Chùa Một Cột – Đóa hoa sen ngàn năm tuổi trong lòng Hà Nội

Chùa được xây dựng vào đời vua Lý Thái Tông (năm 1049) xuất phát từ một giấc mơ bí ẩn của nhà vua năm ấy. Chuyện kể rằng, trong một đêm vua Lý Thái Tông mơ thấy mình được lên đài hoa sen nơi có Phật Bà Quan Âm đang tĩnh tọa. Sau đó, ngài cho xây Chùa Một Cột theo mô phỏng đúng như bông hoa sen trong giấc mơ và thờ Phật Quan Thế Âm. Người dân địa phương nói rằng các cặp đôi cầu nguyện ở chùa này sẽ được ban cho hôn nhân và con cái. Đến Chùa Một Cột, ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Liên Hoa Đài và lễ Phật tại chính điện thì bạn không nên bỏ qua cây Bồ đề ngàn năm tuổi xum xuê trong khuôn viên chùa. Đây là món quà do tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958 nhân dịp người sang thăm Ấn Độ. Người ta tin rằng đó là nhánh của cây bồ đề nơi Đức Phật đã giác ngộ.

Bạn có thể tham quan chùa Một Cột vào bất cứ thời gian nào trong trong năm, nhưng nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về những nghi lễ tín ngưỡng ở đây thì bạn nên đến vào mùng 1 và 15 âm lịch – vào những ngày này chùa đều có các lễ cúng. Chùa Một Cột không chỉ là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội, đẹp và có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Việt Nam mà có được công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á” bởi tổ chức kỉ lục châu Á năm 2012 tại Ấn Độ. Hiện nay, chùa Một Cột là một trong những điểm tham quan du lịch được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

4. Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể đa dạng và phong phú là một địa danh nổi bật trong danh sách di tích lịch sử Hà Nội và được xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Được khởi lập vào cuối thế kỷ XI ở phía Nam Kinh thành Thăng Long. Quần thể kiến trúc gồm có 2 phần chính là Văn Miếu và Quốc Tử Giám.

Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam

Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, cũng là nơi đào tạo con cái dòng dói hoàng tộc. Nhưng sau này khi vua Lý Anh Tông lên đã cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ duy nhất Khổng Tử (1156). Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người tài bổ vào đó – đây có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Điểm nổi bật tại di tích này chính là Khuê văn các – nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”, được xây dựng vào năm 1805. Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Hằng năm vào Rằm Nguyên Tiêu, nơi đây thường diễn ra Ngày hội Thơ Việt Nam – là dịp để các thi sĩ văn sĩ gặp nhau vịnh thơ đàm đạo và cũng như một nét truyền thống để lưu giữ nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt. Đặc biệt, Văn Miếu Quốc Tử Giám thu hút rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên từ khắp nơi đổ về vào những ngày đầu xuân hoặc những mùa thi cử để thắp hương hoặc xin chữ ông đồ cầu đỗ đạt hoặc mong được như ý.

  Hướng dẫn đi Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu thi cử đỗ đạt

5. Chùa Trấn Quốc – Ngôi Chùa cổ nhất ở Hà Nội

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây là ngôi chùa lâu đời nhất ở Hà Nội với lịch sử hơn 1500 năm tuổi và được tôn vinh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới. Chùa Trấn Quốc ngày nay được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long – Hà Nội. Ai đến tham quan đều rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây.

Chùa Trần Quốc - Ngôi chùa cổ nhất Hà Nội và được tôn vinh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới
Chùa Trần Quốc – Ngôi chùa cổ nhất Hà Nội và được tôn vinh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới

Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Sự đối xứng đó được hiểu rằng: Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp.

Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý – Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

6. Cột cờ Hà Nội – Biểu tượng của tự do và độc lập

Cột cờ Hà Nội hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn từ đầu thế kỉ 19. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.

“Kỳ đài năm thước vút trời cao
Thông đạt trong tâm có đường vào
Trong sáng muôn nơi dồn cả lại
Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao!
“.

Cột cờ Hà Nội - Biểu tượng của tự do và độc lập
Cột cờ Hà Nội – Biểu tượng của tự do và độc lập

Cột cờ nằm trong khu di tích Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Toàn bộ cột cờ cao hơn 44m, gồm 3 tầng. Từ tầng 1 đến tầng 3 là thân cột cờ hình trụ có tám cạnh thon dần. Phía trên trong thân cột có 54 bậc thang xoáy ốc lên đến tận đỉnh. Toàn thân cột cờ được rọi sáng và thông hơi bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa hình dẻ quạt. Đỉnh cột cờ (Vọng Canh) được cấu tạo từ một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 ô cửa sổ tương ứng với 8 cạnh, trên có mái che. Giữa lầu là một trụ tròn có đường kính 0,4m và cao đến đỉnh lầu là chỗ để cắm cán cờ. Bước theo các bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ, từ trên cao nhìn xuống bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu bảo tàng quân sự và khuôn viên Công viên Lê-nin bên dưới rất đẹp.

Đi qua những thăng trầm lịch sử, cột cờ Hà Nội như một tượng đài, một cột mốc chứng kiến biết bao biết cố lịch sử của đất nước. Ngày 10/10/1954, khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng là lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ tổ quốc – lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Cho đến nay hình ảnh di tích lịch sử Hà Nội – Cột cờ sừng sững với lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành một biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của đất nước Việt Nam tự do, độc lập.

7. Hoàng Thành Thăng Long – Minh chứng cho sự phát triển của nền văn minh dân tộc

  • Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội
  • Chỉ đường đến Hoàng Thành Thăng Long 
  • Website: http://www.hoangthanhthanglong.vn/
  • Giá vé tham khảo: 30.000 đồng/lượt, miễn phí trẻ em dưới 15 tuổi
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00 hàng ngày (trừ Thứ 2)

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật phong phú.

Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới
Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Vì vậy, Hoàng Thành Thăng Long là một di tích lịch sử ở Hà Nội chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô.

8. Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Nơi hướng về của triệu trái tim Việt

Muốn tìm hiểu về những di tích lịch sử tại Hà Nội, một địa điểm bạn không nên bỏ qua chính là Lăng Hồ Chủ Tịch. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại của con dân nước Việt. Lăng được khởi công chính thức vào ngày 2/9/1973. Nơi đây chính là vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình – nơi Bác Hồ đã từng đọc bản tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Nơi hướng về của triệu trái tim Việt
Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Nơi hướng về của triệu trái tim Việt

Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ tịch. Tại đây còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn nhỏ với những vật dụng hết sức giản dị, xung quanh có hồ cá, vườn cày, rặng dừa, những hàng rào dâm bụt. Đây là nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc khi trở về từ hang Pác Bó Cao Bằng hoạt động Cách mạng công khai năm 1958 cho đến khi qua đời.

9. Nhà tù Hỏa Lò – Nơi những kí ức đau thương còn sót lại

  • Địa chỉ:  Số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Chỉ đường đến Nhà tù Hòa Lò
  • Website: http://hoalo.vn/
  • Giá vé tham khảo: 30.000 vnđ/lượt, miễn phí trẻ em dưới 15 tuổi
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 17:00 hàng ngày (kể cả những ngày Lễ Tết)

Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống toà án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh – tổng Vĩnh Xương – huyện Thọ Xương – Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhắc đến Nhà tù Hòa Lò là người ta nghĩ ngay đến cái tên “địa ngục trần gian”. Nơi đây hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam đã bị giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần bởi những xảo quyệt và dụng cụ tra tấn tàn khốc dã man của kẻ thù.

Nhà tù Hỏa Lò - Nơi những kí ức đau thương còn sót lại
Nhà tù Hỏa Lò – Nơi những kí ức đau thương còn sót lại

Hỏa Lò có tổng diện tích hơn 12.000 m2, là một trong những nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Nơi đây cũng được biết đến bởi nằm trong danh sách 10 nhà tù khét tiếng nhất trên thế giới. Ghé thăm Hỏa Lò, có thể bạn sẽ cảm thấy “sởn gai ốc” khi không gian bên trong nhà tù được mô phỏng lại bằng những hình ảnh rất chân thực, những kí ức đau thương và khốc liệt khi xưa như được tái hiện trước mắt.

Nhưng càng chứng kiến sự tàn khốc và man rợ của quân địch bao nhiêu, chúng ta lại càng thêm nể phục, tự hào vì những người chiến sĩ cách mạng phía sau ngục tù ấy. Vượt lên gian khó, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng – nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam và là những minh chứng cho lòng quả cảm, tình yêu nước không gì có thể lay chuyển. Nhà tù Hỏa Lò có thể nói là một trong các di tích lịch sử Hà Nội gây ấn tượng và sức ảnh hưởng mạnh nhất cho mỗi du khách đến thăm.  

10. Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử

Để phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa của Pháp thế kỉ 19, cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, khánh thành vào ngày 28/02/1902 là cây cầu thép đầu tiên nằm bắc ngang qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội. Cây cầu được xem như một chứng tích lịch sử quan trọng đã chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử
Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử

Cầu Long Biên dài 2.500 m, rộng 30,6 m, gồm 19 nhịp dầm thép, đặt trên 20 trụ cầu cao 43,5 m. Cầu có một đường sắt và hai làn đường bộ. Toàn bộ 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép cùng các vật liệu khác, kể từ viên sỏi, viên đá xanh… để xây dựng cầu, đều được vận chuyển từ Pháp sang. Tài liệu tại Cục văn thư lưu trữ nhà nước khẳng định, tại thời điểm đầu thế kỉ 20, Long Biên là cây cầu thép có kiến trúc đẹp, dài nhất khu vực Đông Dương và một trong những cầu lớn nhất thế giới.

Trên đây là danh sách 10 danh lam thắng cảnh di tích lịch sử Hà Nội nổi bật mà DulichToday gợi ý cho bạn, ngoài ra để khám phá và hiểu hết Hà Nội có lẽ cần nhiều thời gian hơn thế. Hi vọng bạn sẽ có thật nhiều những trải nghiệm thú vị ở nơi đây để chia sẻ với chúng mình nhé.

4.9/5 - (131 bình chọn)

Tiếc gì 1 like cho thông tin hữu ích!

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button