Khám phá Đền Bạch Mã – Một trong 4 ngôi đền linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long
Bài viết luôn được cập nhật, vì vậy hãy nhấn tổ hợp Ctrl + D để bookmark trang này ở trình duyệt của bạn nhé!
Hôm nay, DulichToday sẽ đưa bạn tới Thăng Long Tứ Trấn: Đền Bạch Mã, để cùng nhau khám phá câu chuyện mang đậm màu sắc huyền thoại, phác họa nên bức tranh về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam từ nghìn năm xa xưa.
1. Giới thiệu về đền Bạch Mã
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là kinh đô nước Việt với quy mô khá lớn từ buổi đầu khởi dựng vào năm 1010. Có rất nhiều công trình kiến trúc phản ánh sự phong phú của văn hóa tâm linh thời nhà lý, tiêu biểu nhất là Tứ trấn Thăng Long – Nơi thờ của các vị thần có công bảo quốc định bang, xây đắp và giữ gìn kinh thành Thăng Long.
Một trong bốn Trấn là Đền Bạch Mã – Nơi thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng – vị thần gốc của Hà Nội cổ) – Bạch Mã Đại vương, Thăng Long Thành hoàng, nơi đây có vị trí cực quan trọng trong văn hóa Đại Việt lúc bấy giờ.
Đền Bạch Mã nằm giữa phố Hàng Buồm, xung quanh là những căn nhà cổ với mái ngói lô xô rêu phong phủ mờ. Đền Bạch Mã trở thành một điểm nhấn thu hút giữa bức tranh phố cổ Hà Nội.
Ngôi đề này còn được gọi với tên Bạch Mã tối linh từ, đây không chỉ là ngôi đền cổ nhất Thủ đô, mà còn là di tích hiếm hoi lưu lại được niên đại khởi dựng vào năm 866, tức thế kỷ IX.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán thời xưa, các vị vua thường dâng lễ tại Đền Bạch Mã và 3 ngôi đền thuộc Thăng Long Tứ Trấn để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no. Tục lệ này đã được người dân Thủ đô duy trì đến ngày nay, khi vào những ngày đầu năm mới, người dân tấp nập đi lễ cầu an tại Thăng Long Tứ Trấn.
Vào năm 1986, Đền Bạch Mã vinh dự được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia và trở thành một trong những tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội.
Đền Bạch Mã là nơi tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã hàng năm, diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, với mục đích suy tôn thần Long Đỗ. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” rất nhân văn.
Trải qua hơn 1000 năm Thăng Long, ngôi đền đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm cùng các dấu tích cổ hiếm thấy. Ngôi đền mang đến những giá trị văn hóa lịch sử vô cùng đặc biệt, hiện tại đã là điểm đến không thể bỏ qua với khách du lịch Hà Nội.
1.1. Đền Bạch Mã ở đâu?
Đền Bạch Mã trước kia thuộc địa dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, kinh thành Thăng Long. Nơi đây nằm bên bờ sông Hồng, nằm cạnh cửa sông Tô Lịch, phía Đông kinh thành.
Hiện tại, Đền Bạch Mã tọa lạc tại địa chỉ là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. (Nhận chỉ đường)
1.2. Lịch sử đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã là ngôi đền có niên đại lâu đời bậc nhất tại Thủ đô, gắn liền với những truyền thuyết, huyền thoại, sự tích kỳ thú về thần Long Đỗ. Một trong những câu chuyện ly kỳ về đền Bạch Mã được dân gian truyền tụng nhiều nhất là việc phá trấn yểm của Cao Biền.
Theo hai cuốn sách cổ là Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập: Vào cuối thời Đường, trước sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Đại Việt với đô hộ phương Bắc, Cao Biền được triều Đường cử sang làm tiết độ sứ ở Giao Châu, tiếp nhận cai trị dân Việt và cho xây đắp thành Đại La.
Tiết độ sứ Cao Biền là một người tài phép vô biên, có khả năng trấn yểm hết những vùng đất long mạch của Đại Việt nhằm kìm hãm người Việt mãi mãi.
Một lần, khi Cao Biền đang đi dạo tại cửa Đông, từ đâu xuất hiện một vị thần ngồi uy nghi trên lưng rồng vàng bay lượn xung quanh thành. Cao Biền cho rằng đó là yêu quái nên muốn lập đàn cầu đảo trấn áp.
Ngay đêm đó, Cao Biền mơ thấy một vị thần nói mình là Lông Đỗ vượng khí, không phải yêu khí, thấy thành phủ mới xây nên tới ngắm nhìn. Tuy nhiên, Cao Biền khi đó hoài nghi nên cho lập pháp đàn, đắp tượng, lấy ngàn cân sắt làm bùa trấn yểm.
Đêm hôm sau, đất trời tối đen như mực, mưa gió dữ dội, bùa sắt bị đốt thành tro bụi. Trước sự việc này, Cao Biên trở nên giận dữ và quyết định trở về Bắc, còn dân ta đã lập nên đền thờ thần Long Đỗ.
Gần 200 năm sau, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành là Thăng Long, khi đó triều đình muốn mở rộng thành phủ nhưng cứ đắp đắt là lại sụt lở, vua quan bèn tới đền thần Long Đỗ cầu khẩn.
Quả nhiên, vào đêm đó, vua Lý Thái Tổ được thần Long Đỗ báo mộng rằng, sẽ có một con ngựa trắng từ đền đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông rồi quay lại điểm xuất phát, nhà vua cứ cho xây dựng thành theo vết chân ngựa là sẽ không bị sụt lở nữa.
Thật vậy, sau khi xây thành thành công, vua Lý Thái Tổ cho tạc một tượng ngựa trắng để thờ và sắc phong vị thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, tức là Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Từ đó ngôi đền được gọi là Đền Bạch Mã.
2. Cách đi lễ Đền Bạch Mã
Bạn có thể dễ dàng tìm đường tới Đền Bạch Mã – Hà Nội, vì ngôi đền nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm – Hà Nội, trong khu phố đi bộ.
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Bạn đi lên hồ Hoàn Kiếm, đi theo đường Lê Thái Tổ về hướng phố Hàng Trống, sau đó rẽ trái tại phố Hàng Khay tới đường Đinh Tiên Hoàng. Đi qua bùng binh, rồi tiếp tục di chuyển qua phố Hàng Đào, gặp phố Hàng Buồm thì rẽ phải là đến đền.
Di chuyển bằng xe bus: Bạn có thể chọn một trong các tuyến sau: 01, 14CT, 18, 22A, 34, 18, 43 đều có điểm dừng gần Đền Bạch Mã.
2.1. Giờ Mở Cửa tham khảo Đền Bạch Mã
Ngày thường: Đền Bạch Mã mở cửa đón khách từ 8h – 11h và 14h – 20h tối các ngày trong tuần (trừ thứ hai). Đền không thu phí vào tham quan.
Ngày lễ hội: Lễ chính của Đền Bạch Mã tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch. Đây vừa là một lễ hội mang nghi thức cung đình, vừa là tập tục dân gian quan trọng được duy trì từ ngàn đời nay, góp phần đem lại không khí vui tươi, phấn khởi và tinh thần lạc quan của ngày xuân nhằm cầu phúc cho một năm may mắn, bình an.
2.2. Bãi lễ tại Đền Bạch Mã
Ngày rằm, ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng hay vào dịp đầu xuân năm mới, người dân tới Đền Bạch Mã rất đông để cầu khấn cho gia đình bình an, gặp nhiều may mắn, thuận lợi.
Sau khi dâng lễ, thắp hương thì bạn có thể đọc văn khấn trước các ban thờ, hoặc đặt văn khấn lên một địa nhỏ rồi đưa vào mâm lễ dâng cúng.
Trước khi hóa vàng thì phải hóa văn khấn trước. Trong khi đợi hết một tuần nhan để hạ lễ thì bạn có thể đi dạo khuôn viên ngắm cảnh đền.
2.4. Lưu ý khi vào lễ Đền Bạch Mã
Khi đi tham quan Đền Bạch Mã, bạn hãy đi theo thứ tự như sau: Tam Quan, Phương Đình (sân trước), Đại Bái (đình ngoài), Thiêu Hương, Cung cấm (nơi thờ tượng thần Bạch Mã).
- Không dâng đặt lễ mặn tại Tiền Đường (nơi thờ tự chính của ngôi).
- Bạn có thể chuẩn bị tiền âm phủ và hương hoa. Không đặt tiền giọt dầu vào tay hay các bộ phận của tượng thần trong đền, hãy để tiền vào hòm công đức.
- Hạ lễ từ ban ngoài cùng vào ban chính.
- Không nên di chuyển trước mặt người đang khấn vái, muốn làm lễ thì bạn nên quỳ ở phía sau những người đã đứng thắp hương từ trước.
- Làm lễ cần tâm tịnh, giữ trật tự và sự tôn nghiêm của ngôi đền.
3. Khám phá kiến trúc Đền Bạch Mã
Người dân thường đến Đền Bạch Mã như là một điểm đến tâm linh để cầu may, cầu bình an cho đất nước và gia đình.
Ngoài ra, đây cũng là một chứng tích quan trọng của lịch sử về một thời hùng tráng của Thăng Long, một nguồn tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu kinh thành xa xưa về nhiều mặt: Nghệ thuật, văn hóa và triết học.
Đền Bạch Mã đã được nhà nước công nhận trong xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986 với mục đích tôn vinh một địa danh thờ cúng, thiêng liêng giữa Thủ đô Hà Nội. Vì thế mà nơi đây cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch.
Khi tới thăm ngôi đền này, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp chứa đựng trí tuệ và đời sống tinh thần của người Việt Nam xưa.
3.1. Kiến trúc nghệ thuật Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã có kiến trúc mang nhiều phong cách của thế kỷ 19. Thiết kế theo chiều dọc, khép kín, bao gồm Nghi Môn, Phương Đình (sân trước), Đại Bái (đình ngoài), Thiên hương, cung cấm (nơi thờ tượng thần Bạch Mã) và nhà hội đồng.
Ngôi đền toát lên vẻ đẹp cổ kính khi có những cột gỗ lim và các mái đỡ tạo thành thế “giá chiêng chồng rường con nhị” và “hệ cùng 3 phương”. Điều này giúp cho ngôi đền càng thêm vững chãi để trải qua năm tháng, trở thành nét đặc sắc của kiến trúc đền chùa Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng trở thành nơi thể hiện các nét trạm trổ hoa văn tinh xảo, bắt mắt của người xưa.
Một điểm thú vị nữa là gần như hiện nay không còn ngôi đền chùa nào giữa nguyên vẹn huyết thống âm như Đền Bạch Mã Hà Nội. Giếng được đặt ở bên phải đền, theo quan điểm tả dương hữu âm thì giếng huyệt chính là âm.
3.2. Hiện vật
Hiện nay, Đền Bạch Mã còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như, bia đá, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, sắc phong… Khi tham quan đền, có thể thấy 15 tấm bia đá tạc lại của những lần tu sửa, sưu dịch để trông nom đền, thể lệ đóng góp, ăn uống, quy định của chúa Trịnh trong miễn thuế; đồ thờ tự quý hiếm cùng nhiều sắc phong của các vị vua triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn; 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã… cùng nhiều hiện vật có giá khác như Cỗ Long ngai khắc chữ tên vị thần được thờ cúng ““Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch Mã Đại vương”, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”.
4. Gợi ý địa điểm du lịch hấp dẫn gần đền Bạch Mã
Sau khi đã có một buổi tham quan, bãi lễ tại Đền Bạch Mã thì du khách có thể tiếp tục di chuyển tới những điểm du lịch lân cận để hoàn thiện một ngày thăm thú cảnh quan Hà Nội. Từ khi hình thành đến nay, khu phố cổ Hàng Buồm vẫn là nơi tập trung nhiều nhà hàng sang trọng, nổi tiếng Hà Nội, nhất là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Hiện tại, con phố này là thiên đường ẩm thực với nhiều quán cà phê đông khách. Không khi luôn luôn náo nhiệt, vui vẻ, nhất là vào những ngày cuối tuần, khi phố bắt đầu lên đèn sáng lung linh.
Chỉ đi bộ tầm 3 phút từ Đền Bạch Mã là bạn đã check in được nhiều cảnh đẹp, làm vài cốc bia, nhắm vài miếng mồi ở những quán ăn bên đường.
Sau khi làm ấm bụng ở khu phố cổ, bạn có thể lượn vài vòng hồ Gươm để ngắm Tháp Rùa, hoặc vào Đền Ngọc Sơn, Nhà thờ lớn Hà Nội…
Trên đây là một vài chia sẻ hữu ích của DulichToday về kinh nghiệm tham quan Đền Bạch Mã gửi tới quý bạn. Hy vọng các bạn sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời và cảm nhận được vẻ đẹp lịch sử của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.